Tổng rà soát, giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp

(PLO)- Thủ tướng đã đề ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Hội nghị nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam; thực trạng, khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN đang đối mặt… Đây cũng là dịp để Chính phủ, Thủ tướng lắng nghe những chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng DN trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Mong tháo gỡ các vướng mắc pháp lý

Tại đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu, chưa được giải quyết triệt để đã gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. “Giải quyết triệt để các vấn đề này là mong mỏi nhất của cộng đồng DN hơn là các hỗ trợ tài chính khác” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Đại diện các hiệp hội như dệt may, du lịch, thủy sản, logistics… sau đó đã nêu nhiều vấn đề vướng mắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam, cho biết trong đợt khủng hoảng giá cước vừa qua (tăng gấp 5-7 lần), lợi nhuận “rơi vào túi” các hãng lớn của nước ngoài. Rõ ràng Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container là rất quan trọng. Hiện, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm thì việc phát triển đội tàu cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu.

Đánh giá cao việc Chính phủ duy trì bình ổn giá xăng dầu, ông Trung đề nghị cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II-2023.

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam, cũng thông tin thị trường hàng không đang trên đà hồi phục. Về các vướng mắc pháp lý, ông Dũng nhìn nhận cần phải “sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành”, đồng thời điều chỉnh khung giá trần nội địa, duy trì chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế đất…

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nói ngành này đang hồi phục và có thể vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỉ USD trong năm 2022. Ông Nam đề nghị Chính phủ lưu tâm giải quyết các vấn đề về chi phí sản xuất, vận tải biển và nhân công tăng cao. Ông cũng đề nghị Chính phủ “có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng DN, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi”.

Các hiệp hội khác trong các lĩnh vực như bất động sản, thầu xây dựng, các tổ chức như Hiệp hội DN nhỏ và vừa, VCCI… cũng nêu nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn về tài chính, tín dụng cũng như các vướng mắc pháp lý khác.

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị với các doanh nghiệp. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị với các doanh nghiệp. Ảnh: NHẬT BẮC

Tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các giải pháp được nêu trong báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị. Ông đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng DN tiếp tục phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc của tất cả loại hình DN, có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong ngắn hạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đơn cử Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu…

Thủ tướng cũng đồng ý cần tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Cùng với việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương không “lòng vòng”, sách nhiễu, gây thêm thủ tục hành chính khó khăn cho DN, tạo nên tham nhũng vặt.

Về các giải pháp dài hạn, Thủ tướng tiếp tục đặt lên hàng đầu yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính. Với cộng đồng DN, Thủ tướng đề nghị nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

“Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng DN, của DN, đồng thời đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn” - Thủ tướng nói.

Năm nhóm vấn đề mà DN tiếp tục phải đối mặt

Thứ nhất, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; các khoản chi phí tăng nhưng giá bán không thể thay đổi với đơn hàng đã ký kết.

Thứ ba, tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu.

Thứ năm, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm