Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu các đơn vị báo cáo tập trung đánh giá việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kết quả phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Đánh giá nguyên nhân những trường hợp VKS phê chuẩn, không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của các cơ quan điều tra không chuyên trách trong CAND, kiểm sát việc tạm giữ hình sự, đánh giá việc tuân theo pháp luật trong tạm giữ hình sự. Đặc biệt, phải đánh giá cụ thể kết quả, nguyên nhân những hạn chế, tồn tại trong những vụ VKS: Hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, trực tiếp khởi tố, phê chuẩn/không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra vụ án; những trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc rà soát tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra lần này cũng sẽ tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra (lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, áp dụng biện pháp ngăn chặn…) và kiến nghị về mô hình tổ chức, thẩm quyền điều tra, thẩm quyền tố tụng của các cơ quan điều tra theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Đồng thời, đánh giá hiệu quả hoạt động điều tra, những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan điều tra không chuyên trách.
Dự kiến ngành kiểm sát sẽ hoàn thành báo cáo trước ngày 2-6.
BÌNH MINH