Tổng rà soát trên toàn quốc trẻ có nguy cơ bị bạo hành

Sáng 22-2, tại Nhà Quốc hội (QH) đã diễn ra phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực trẻ em” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên giải trình. 

Giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn cho biết trong hai năm diễn ra đại dịch COVID-19 đã có nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân, người ruột thịt trong gia đình gây ra. Đặc biệt, thương tâm hơn khi họ còn nhẫn tâm, mất nhân tính ném con nhỏ xuống sông, dùng đòn roi, đinh sắt, đánh đập, tra tấn dã man, gây thương tật, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Theo ông Mẫn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trong đó có vấn đề hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng chưa được các cấp, các ngành quan tâm thỏa đáng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe những người có hành vi bạo lực; bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực với trẻ em.

“Thời gian qua, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ” - ông Mẫn nói.

Từ đó, ông Mẫn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước, làm cơ sở, dữ liệu giúp cho việc thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh từ địa phương, cơ sở. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (trái) và đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa tại phiên giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm hơn

Tại buổi giải trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà dẫn số liệu và nêu đánh giá: “Tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội!”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đưa ra dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, nhất là bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các thành viên trong gia đình hành hạ, xâm hại trẻ em; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, hậu quả, tác hại ngày càng lớn.

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng nạn bạo hành trẻ em không chỉ là vụ việc mang tính đơn lẻ mà trở thành một vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm. Từ đó đại biểu Mai Thoa đề nghị bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá tính đầy đủ, toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em cũng như những đề xuất/giải pháp khắc phục nạn bạo hành trẻ em.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, toàn diện nhưng hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở một nhóm bộ phận xã hội. Cạnh đó là xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn… “Tất cả vụ việc vừa qua đều bắt nguồn từ xung đột gia đình, mà người lớn không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cần chỉ rõ nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ em. Bộ trưởng Dung cho biết còn một nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trẻ em phải kể đến là môi trường xã hội chưa thực sự an toàn. Trong xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ “đèn nhà ai nhà nấy rạng”… là lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em.

Đề xuất hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em

Về giải pháp phòng ngừa, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng cần phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em, nhất là thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm về bảo vệ trẻ em, triển khai chương trình giáo dục làm cha mẹ, kỷ luật tích cực; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình.

Về nguồn lực, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Cần tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua việc chủ động phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng, phát triển mô hình “Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em”; thúc đẩy sự tham gia của đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và đơn vị có liên quan tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em. Cùng đó là đề xuất đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết một số vấn đề xã hội; lồng ghép nguồn lực bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

                                                                                      (Theo quochoi.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm