Tổng Thanh tra Chính phủ: Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 125 người

(PLO)- Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định công tác thanh tra đã triển khai theo đúng chương trình kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.

Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 người

Đáng chú ý, ngành thanh tra đã chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.

Chẳng hạn như thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia; thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ, thanh tra trái phiếu, thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: PHẠM THẮNG
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật” - báo cáo nêu.

Báo cáo cho thấy 9 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai gần 5.700 cuộc thanh tra hành chính và gần 74.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 107.000 tỉ đồng, 296 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.160 tỉ đồng và 25 ha đất…

Đặc biệt, ngành đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 1.400 tập thể và trên 5.500 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 người...

“Việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực” - báo cáo nhận định.

Phát hiện 35 người liên quan đến tham nhũng

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay ngành đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Theo báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 3.455 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 267 đơn vị vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành gần 1.800 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; phát hiện 192 vụ việc vi phạm, 332 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 36 tỉ đồng.

Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại trên 3.760 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 30 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Để phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan đã chuyển đổi vị trí công tác với gần 12.100 cán bộ, công chức, viên chức; xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 3.214 người và 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Đáng chú ý, ông Đoàn Hồng Phong thông tin đã phát hiện 25 vụ việc, 35 người liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện 12 vụ, 20 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 5 người liên quan đến tham nhũng.

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.

Ông Phong cũng nhắc tới việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 26 của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Ngành Thanh tra cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng…

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực.

“Thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng” - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Ngoài ra, ngành Thanh tra cũng dự kiến sẽ tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng,tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm