Ngày 12-5, cộng đồng quốc tế phản ứng thận trọng với sự thay đổi lãnh đạo Brazil, theo hãng tin AFP (Pháp). Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các chính trị gia Brazil bình tĩnh và đối thoại, tin tưởng chính phủ mới sẽ tôn trọng tiến trình dân chủ của Brazil. Mỹ cho biết vẫn tự tin Brazil đủ mạnh để vượt qua giai đoạn hỗn loạn chính trị này.
Ảnh hưởng của đảng cánh tả Công nhân (Brazil) ở các nước Mỹ Latinh rất lớn trong thập niên qua. Các nước khu vực này công khai phản ứng mạnh với việc bà Dilma Rousseff bị ngưng chức và phải hầu tòa luận tội. Venezuela “thẳng thừng phản đối” cuộc đảo chính này. Cuba “tuyệt đối đoàn kết” với bà Rousseff. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega lên án cái ông gọi là “sự quái dị về luật pháp và chính trị”.
Trong ngày 12-5, vài giờ sau khi có kết quả bỏ phiếu Thượng viện đình chỉ chức vụ và luận tội mình, bà Dilma Rousseff có phát biểu cuối cùng tại dinh tổng thống trước khi ngưng chức. Bà Rousseff lên án quyết định đình chỉ chức vụ và luận tội bà của Quốc hội là một cuộc đảo chính. Toàn bộ thành viên nội các của bà đã bị giải tán.
Phát biểu ngày 12-5 tại dinh tổng thống ở thủ đô Brazilia, bà Dilma Rousseff kêu gọi người ủng hộ phản đối cái bà gọi là cuộc đảo chính. Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Michel Temer thuộc phe trung hữu trở thành tổng thống lâm thời của Brazil. Ông Michel Temer nhanh chóng thành lập nội các mới, tuyên bố sẽ khôi phục uy tín cho Brazil sau nhiều tháng trời hỗn loạn về chính trị và cả kinh tế.
Quyết tâm khôi phục kinh tế của ông Michel Temer thể hiện qua cách ông chọn thành viên nội các. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Henrique Meirelles được chọn làm bộ trưởng kinh tế, với nhiệm vụ đưa kinh tế Brazil ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hàng thập niên.
Ông Michel Temer cho biết sẽ đối thoại với phe cánh tả của bà Rousseff và cam kết sẽ duy trì thực hiện các chương trình xã hội bà Rousseff đã thực hiện giúp đưa hàng chục triệu người ra khỏi đói nghèo.
Nội các mới của ông Michel Temer toàn bộ là người da trắng và không có phụ nữ, trong khi ở chính phủ trước đó bà Rousseff là nữ tổng thống đầu tiên của Brazil. Đây là lần đầu tiên Brazil có chính phủ toàn nam giới kể từ sau khi kết thúc giai đoạn độc tài năm (1964-1985). Theo chuyên gia luật pháp công Ivar Hartmann (Brazil) thì đây là điều đáng ngại. Trong ngày 12-5, một nhóm phụ nữ đã biểu tình phản đối điều này.