Tổng thống Joko Widodo hôm 26-8 tuyên bố đã chọn một khu vực ở rìa phía đông của đảo Borneo làm thủ đô mới của Indonesia, trong bối cảnh nước này đang tìm cách di dời trung tâm chính trị khỏi TP Jakarta đang ngày càng đông đúc, Channel News Asia đưa tin.
Tổng thống Joko Widodo hôm 26-8 tuyên bố đã chọn một khu vực ở rìa phía đông của đảo Borneo làm thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: REUTERS
Tổng thống cho biết vị trí được đề xuất nằm ở cả vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Ở tỉnh Đông Kalimantan, một trong ba địa điểm mà chính phủ trước đó xem xét và cách Jakarta 2 giờ bay. Nơi này chính phủ hiện đang sở hữu khoảng 180.000 ha đất, nên sẽ không gặp khó khăn trong việc thu hồi đất.
"Chúng tôi đã đưa ra kết luận rằng vị trí lý tưởng nhất cho TP thủ đô mới là một phần ở quận Penajam Paser và một phần ở quận Kutai Kertanegara" - Tổng thống Joko Widodo nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Tổng thống còn cho biết các ở tỉnh Đông Kalimantan ít có nguy cơ bị "thiên tai" như động đất, lũ lụt và núi lửa phun trào hơn những nơi khác.
Khu vực xung quanh Kutai Kartanegara, một trong hai địa điểm được chính phủ đề xuất xây dựng thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AFP
"Là một quốc gia rộng lớn đã độc lập trong 74 năm, Indonesia chưa bao giờ chọn thủ đô của riêng mình. Gánh nặng mà Jakarta đang nắm giữ hiện tại quá nặng nề khi vừa là trung tâm quản trị, kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ" - ông Joko Widodo nói thêm.
Được biết Borneo có năm tỉnh, với tổng diện tích 743.300 km2, là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Ba quốc gia có lãnh thổ trên Borneo là Brunei, Malaysia và Indonesia, trong đó Indonesia chiếm 73% diện tích. Nơi đây được biết là rừng nhiệt đới với số lượng đười ươi tập trung sinh sống khá lớn. Nơi đây cũng nổi tiếng với trữ lượng than khổng lồ.
Theo ông Widodo, kinh phí di dời thủ đô là 466.000 tỉ rupiah (gần 33 tỉ USD). Nhà nước tài trợ 19%, số còn lại đến từ các đối tác công tư (nhà nước và doanh nghiệp tư nhân kết hợp) và đầu tư tư nhân.
Tổng thống Indonesia cũng cho biết ông đã gửi thư tới Hạ viện Indonesia để thông báo về quyết định này và chính phủ sẽ soạn thảo một dự luật di dời thủ đô để thông qua trước Quốc hội càng sớm càng tốt.
Thủ đô Jakarta, Indonesia đông đúc xe cộ. Ảnh: AP
Trước đó, trong bài phát biểu của liên minh tại Quốc hội vào ngày 16-8, ông Widodo chính thức đề xuất việc di dời thủ đô đông đúc, ô nhiễm hiện tại đến một nơi nào đó ở Kalimantan.
Thông báo hôm nay của tổng thống Indonesia đã kết thúc nhiều tháng đồn đoán về vị trí thủ đô mới của nước này. Chính phủ dự định bắt đầu xây dựng thủ đô mới từ năm 2021 và bắt đầu di dời một số văn phòng từ năm 2024.
"Chúng tôi không muốn làm điều này một cách vội vàng nhưng sẽ thực hiện nhanh nhất có thể" - ông Widodo cho hay.
Thủ đô Jakarta là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, hiện nay nằm trên đảo Java, nơi có diện tích khoảng 128.000 km2 nhưng tập trung tới 60% dân số Indonesia. Lượng người tập trung ở các đô thị và thị trấn vệ tinh quanh TP nhiều gấp ba lần dân số trong đô thị, gây tắc nghẽn giao thông thường xuyên và nghiêm trọng. Theo ước tính của chính phủ, điều này gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia 7 tỉ USD mỗi năm. Nơi đây cũng liên tục bị xếp hạng trong số các TP ô nhiễm nhất thế giới.
Jakarta còn là một trong những TP đang bị chìm dưới mực nước biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn siêu đô thị này có thể bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050. Hiện một nửa Jakarta đã nằm dưới mực nước biển.
Vào tháng 4, bộ trưởng kế hoạch của Tổng thống Widodo cho biết chính phủ sẽ thiết kế một thủ đô mới để chứa 900.000 đến 1,5 triệu người, chủ yếu là nhân viên chính phủ và gia đình của họ. Trong khi hầu hết các văn phòng chính phủ sẽ được di dời, ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan tài chính và đầu tư có thể sẽ ở lại.