Trong cuộc họp lãnh đạo các nước thuộc Ủy ban Lưu vực hồ Chad (LCBC) hôm 2-12, Tổng thống Nigeria - ông Muhammadu Buhari cảnh báo lượng vũ khí có nguồn gốc từ cuộc xung đột Ukraine đang góp phần gia tăng tình trạng bạo lực và nguy cơ khủng bố ở khu vực Sahel (châu Phi), đài RT đưa tin.
“Thật đáng tiếc, tình hình ở Sahel và cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine lại trở thành nguồn cung cấp vũ khí và máy bay chiến đấu chính giúp củng cố hàng ngũ những kẻ khủng bố ở lưu vực hồ Chad” - Tổng thống Buhari tuyên bố.
“Một số lượng đáng kể vũ khí và đạn dược được bọn khủng bố mua để thực hiện cuộc chiến ở Libya cuối cùng sẽ lan rộng khắp khu vực, trong khi vũ khí được sử dụng cho cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga cũng đang bắt đầu xuất hiện ở châu Phi” - ông Buhari nói thêm.
Theo ông, việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp đang đe dọa an ninh khu vực, vì vậy các quốc gia châu Phi cần tăng cường biện pháp kiểm soát biên giới chung và hành động để ngăn chặn lượng vũ khí đó tuồn vào châu lục này.
Tổng thống Nigeria - ông Muhammadu Buhari. Ảnh: RT |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh đã liên tục viện trợ vũ khí cho quân đội nước này, đồng thời khẳng định việc giúp Kiev đánh bại Moscow là ưu tiên chiến lược của các quốc gia phương Tây.
Mặc dù Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố họ có một hệ thống theo dõi chặt chẽ lượng vũ khí viện trợ ở Ukraine song các phương tiện truyền thông chỉ ra rằng một số lượng lớn vũ khí và thiết bị vẫn chưa đến tay quân đội Ukraine mà lại xuất hiện đầy rẫy trên thị trường chợ đen.
Một số cơ quan thực thi pháp luật như Cơ quan phòng chống tội phạm Anh (NCA) cảnh báo Ukraine có thể trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho các băng đảng và nhóm khủng bố.
Bên cạnh đó, Tổng thống Buhari cũng ca ngợi một số thành công trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động ở Sahel, song nhấn mạnh các hoạt động quân sự đơn thuần không thể giải quyết các vấn đề cơ bản.
Ông kêu gọi các quốc gia châu Phi thúc đẩy phát triển kinh tế để xây dựng niềm tin của công chúng vào chính phủ.
LCBC có 6 quốc gia thành viên, bao gồm Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Niger, Nigeria và Chad. Một số quốc gia châu Phi khác cũng tham gia vào nhóm này với tư cách là quan sát viên.