Liên minh Ensemble của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là bên thắng nhiều ghế nhất trong vòng cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội ngày 19-6 nhưng vẫn thiếu hàng chục ghế để đảm bảo thế đa số nghị viện mà liên minh đã giữ trong năm năm qua, theo đài France24.
Kết quả bầu cử đánh dấu lần đầu sau 20 năm một tổng thống Pháp phải ở vào thế “vịt què” - cụm từ thường được dùng trong chính trị (xuất phát từ Mỹ) để chỉ một tổng thống lãnh đạo khi đảng hay liên minh cầm quyền không có thế đa số trong quốc hội.
Tình hình đặt ra câu hỏi về mức độ thực hiện kế hoạch hành động của ông Macron trong nhiệm kỳ 2. Đó là một chương trình cải cách trong nước đầy tham vọng (nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65, thúc đẩy sức mua, cắt giảm thuế và nới lỏng hơn nữa quy định với thị trường lao động) và một vai trò chủ chốt trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine. Chính phủ ông Macron có thể phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 5-7, thể theo ý định của Liên minh cánh tả Nupes.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: GETTY IMAGES |
Những ngày sau khi có kết quả bầu cử, ông Macron đã hội đàm với các lãnh đạo đối lập, trong đó có bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tổ chức quốc gia, để tìm cách thoát khủng hoảng.
Phát biểu trước toàn dân ngày 22-6, ông Macron thừa nhận rằng cuộc bầu cử quốc hội đã làm nổi bật các vấn đề xã hội ở Pháp nhưng ông kêu gọi các đảng đối lập “bỏ lại phía sau cuộc chiến” và “vượt ra ngoài chính trị”. Sự bế tắc chính trị hiện nay không nên dẫn đến “trì trệ” mà phải đổi mới đối thoại và “sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau” - theo ông.
Trước mắt, ông Macron khẳng định rằng phe đối lập sẵn sàng hợp tác với ông về các vấn đề “lớn”, như chi phí sinh hoạt, việc làm, y tế, năng lượng, khí hậu. Ông Macron cho biết dự luật khẩn cấp nhằm chống lạm phát và tăng giá năng lượng sẽ được trình lên quốc hội vào mùa hè này, đồng thời kêu gọi các đảng phái thôi đấu đá nhau và ủng hộ các mục tiêu của chính phủ.