Tổng thống Aquino hiện không đủ điều kiện để chạy đua cho cuộc bầu cử lại theo hiến pháp. Ông đã hứa sẽ chi khoảng 83,90 tỉ peso (khoảng 1,7 tỉ USD) trong vòng năm năm từ 2012 đến 2017 để củng cố lực lượng quân sự khi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình đối với hầu hết các vùng biển trong khu vực.
Tuy nhiên, cho tới tận năm nay các kế hoạch chi trả mới được thông qua, đồng nghĩa với việc các khoản tiền sẽ chỉ bắt đầu được phân phối trong vài tháng tới. Tại lễ kỷ niệm lần thứ 80 của các lực lượng vũ trang, ông Aquino cho biết: "Chúng tôi đang lập kế hoạch để mua tàu khu trục, tàu hải vận chiến lược, tàu tuần tra tầm xa, máy bay hỗ trợ và các thiết bị khác"
Ông không đề cập cụ thể đến vấn đề tranh chấp biển Đông, tuy nhiên các thiết bị trên đã được quân đội Philippines xác định dùng để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” nước này. "Tôi đã tận mắt chứng kiến quân đội lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn thế nào trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định của quốc gia. Điều này góp phần quan trọng khiến Philippines trở nên tự tin hơn."
Hải quân Philippines điều khiển súng phòng không đặt gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)
Tàu hải vận chiến lược được đóng tại một nhà máy đóng tàu của Indonesia sẽ được giao vào đầu năm tới. Radar được đặt hàng tại Israel và tất cả máy bay chiến đấu sản xuất bởi Hàn Quốc cũng sẽ được giao vào đầu năm 2017.
Aquino cho biết chính phủ của ông đã dành 56,79 tỉ peso từ năm 2010 để mua một phi đội máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc và nhiều trực thăng chiến đấu từ Ý. Washington cũng đã chuyển giao hai tàu tuần tra bờ biển và máy bay vận tải cho Philippines.
Quân đội Philippines có một kế hoạch 15 năm đầy tham vọng để hiện đại hóa quân đội. Theo kế hoạch, nước này sẽ chi khoảng 998 tỉ peso để mua tàu khu trục, tàu ngầm, hệ thống tên lửa tiên tiến và radar để đưa năng lực quân sự quốc gia ngang tầm với các nước láng giềng Đông Nam Á.