Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 19-9 cho biết ông sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào trước tuyên bố của Mỹ muốn khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran vì "còn nhiều điều không chắc chắn" về vấn đề này.
“Tôi không chắc chắn rằng yêu cầu và cơ chế mà Mỹ kích hoạt có thực sự được thực hiện hay không, tôi cũng không biết liệu việc chấm dứt các lệnh trừng phạt Iran sẽ tiếp tục có hiệu lực hay không” - ông Guterres viết trong một bức thư gửi HĐBA.
“Nhiệm vụ của một người Tổng Thư ký LHQ không phải để chấp thuận và tiến hành một yêu cầu không hề đảm bảo và chắc chắn như vậy” - Tổng Thư ký LHQ nói thêm.
Theo hãng tin Reuters, ông Guterres đã chỉ định các quan chức HĐBA LHQ phù hợp để giám sát vấn đề này. Ông cũng khẳng định rằng khi đề xuất của Mỹ vẫn còn "đang chờ để làm rõ" thì ông sẽ không chấp thuận hay tiến hành bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại trước yêu cầu của Mỹ nhằm khôi phục lại các lệnh trừng phạt Iran. Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ngoài các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Iran, Mỹ sẵn sàng trừng phạt các quốc gia nào chống lại các biện pháp này.
"Mỹ sẽ không ngần ngại thực thi các biện pháp trừng phạt cần thiết, và chúng tôi mong muốn tất cả các nước thành viên sẽ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của họ trước việc áp đặt lại những biện pháp hạn chế này đối với Iran” - ông Pompeo khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng Washington sẽ tiếp tục "chiến dịch gây áp lực tối đa" chống lại Iran cho đến khi đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Reuters dẫn lời ông Pompeo tiết lộ "trong những ngày tới, Mỹ sẽ công bố một loạt các biện pháp bổ sung để tăng cường cho các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ và buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định sẽ tiếp tục "chiến dịch gây áp lực tối đa" chống lại Iran cho đến khi đạt được một thỏa thuận toàn diện. Ảnh: REUTERS
Trước đó ngày 20-8, Ngoại trưởng Mỹ đã nộp đơn khiếu nại lên HĐBA LHQ nhằm kích hoạt cơ chế "snapback" khôi phục trừng phạt và gia hạn cấm vận vũ khí với Iran, cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo tiến trình, sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận kích hoạt cơ chế snapback hay không. Nếu các bên không thống nhất được, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị, và các quốc gia thành viên LHQ phải thực thi sau thời hạn trên.
Hầu hết các nước thành viên HĐBA LHQ, cụ thể 13 trong số 15 quốc gia thành viên HĐBA đã phản đối việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.
Các nước cho rằng Mỹ đang hành động vô lý khi chính Washington đã rút khỏi các thỏa thuận hạt nhân với Iran hôm 8-5-2018 và không ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran.
Quốc kỳ Iran và Mỹ tại cuộc đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 14-7-2015. Ảnh: REUTERS
Phản hồi lại trước tuyên bố của Mỹ, chính quyền Iran chỉ trích và cho rằng Mỹ đang chống lại quốc gia này, cố gắng can thiệp vào nội bộ chính trị và cô lập Iran khỏi thế giới.
“Cộng đồng thế giới nên phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt ý muốn của họ như một kẻ bắt nạt hoặc sẽ phải chịu số phận tương tự như Iran trong tương lai” - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra tuyên bố hôm 19-9.
"Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục hành động như một kẻ bắt nạt nếu họ được phép làm điều đó một lần nữa với các quốc gia khác" - ông Zarif nói.