Tổng Thư ký Quốc hội: Văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Chiều 22-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận nội dung này.

Báo cáo kết quả giám sát văn bản QPPL năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay về cơ bản, nội dung của các văn bản QPPL được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội phát hiện sáu văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và bảy văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện…

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, hầu hết các văn bản QPPL thuộc phạm vi giám sát được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một văn bản có sai sót kỹ thuật về căn cứ pháp lý và đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Có thể kể đến là Thông tư 14/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập.

Về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản, tổng hợp báo cáo từ các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Ông dẫn chứng trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

“Văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng” - ông Bùi Văn Cường nói và cho hay có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, một pháp lệnh, năm nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản…

Đánh giá chung, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát văn bản QPPL của một số cơ quan còn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan ban hành văn bản khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản và báo cáo kết quả khắc phục đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng vẫn còn tồn tại. Vẫn còn nợ đọng văn bản, văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Điều này đã được kết luận, kiến nghị hướng xử lý cụ thể trong kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

“Trong kỳ giám sát, vẫn tiếp tục phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm tính, đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật” - ông Bùi Văn Cường nói.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội, việc rà soát và ban hành văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực còn chậm hoặc không sửa đổi các văn bản quy định chi tiết đã hết hiệu lực thi hành.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành và chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền văn bản QPPL quy định chi tiết các nội dung còn nợ. Đồng thời, xử lý dứt điểm văn bản QPPL có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ông Cường cũng kiến nghị nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với việc theo dõi thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản bản quy phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới