Tony Bé và bộ sưu tập ấn phẩm cải lương

Mới đây, tôi có dịp đến thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) và bất ngờ khi gặp được những tâm hồn đồng điệu say mê sân khấu cải lương ở đây. Ấn tượng nhất là Tony Bé, còn được gọi là Tony Bé Dallas. Chàng trai này có nụ cười thân thiện và cách nói chuyện dí dỏm. Anh là chủ một tiệm làm đẹp tại Dallas. Ngoài công việc kiếm sống hằng ngày, thú vui của Tony Bé là sưu tầm đĩa cải lương và biểu diễn cải lương, theo kiểu văn nghệ quần chúng trên đất Mỹ.

Mở cửa cho tôi xem căn phòng mà anh gọi là nơi cất giữ những kỷ niệm tuổi thơ, tôi vô cùng bất ngờ trước bộ sưu tập hơn 1.000 đĩa nhựa và băng cassette cải lương. Từ Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Tôn Tẩn giả điên, Nhất kiếm bá vương… đến những băng đĩa lưu giữ tiếng ca của cô Tư Sạng, kép Năm Nghĩa, đào Kim Chưởng, Thúy Nga, hề Văn Hường, Kim Quang… Trong đó, có nhiều đĩa đã thất truyền tại Việt Nam như đĩa ghi âm giọng ca NSƯT Thanh Nga năm 12 tuổi; giọng ca của ca sĩ Hương Lan lúc 9 tuổi thu âm với nghệ sĩ Hữu Phước…

Tony Bé và bộ sưu tập ấn phẩm cải lương ảnh 1

Tony Bé lưu giữ nhiều vở cải lương quý hiếm

Mê sân khấu cải lương nên từ khi lên 10 tuổi, có bao nhiêu tiền dành dụm được Tony Bé tìm mua những đĩa cải lương cũ làm bộ sưu tập cho mình. Tony Bé nâng niu từng chiếc đĩa, cất giữ cẩn thận như tài sản quý giá.

Năm anh 27 tuổi, được cha bảo lãnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, hành trang mang theo của anh không có gì ngoài 3 thùng đựng số băng đĩa cải lương mà anh đã sưu tập được. Khi đã thành đạt, anh trang bị cho riêng mình gian phòng nghe nhạc, với máy nghe đĩa hiện đại, để lần lượt nghe lại những bài ca cổ xưa, những vở tuồng từng làm say đắm lòng người. Tony Bé cho biết tại Dallas có nhiều bạn trẻ cũng đam mê cải lương như anh, thế là cuối tuần, họ tụ đến đây để cùng nghe rồi say sưa bàn luận.

Trong gia tài quý báu này của Tony Bé, tôi bất ngờ khi nghe lại những bài vọng cổ ca ngợi truyền thống cách mạng mà có lẽ trên đất Mỹ chỉ mỗi Tony Bé còn lưu giữ. Nào là Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Dệt chặng đường xuân (tiếng hát NSƯT Thanh Kim Huệ), Bà mẹ Hòn Đất (cố NSƯT Thanh Nga), Đài hoa dâng Bác (cố NSND Út Trà Ôn) đến Chuyến xe Tây Ninh (NSƯT Thanh Tuấn), Dòng sông quê em (NSƯT Thanh Tuấn, Lệ Thủy), Trái tim Đồ Chiểu (NSƯT Lệ Thủy)…

Từ căn phòng của Tony Bé, nhiều bài vọng cổ hay được chuyển đi cùng những bức thư điện tử đến với những người trẻ trên đất Mỹ sang tận Úc, Nhật, Pháp, Anh… Cứ thế, mỗi ngày, Tony Bé có thêm nhiều bạn trẻ biết thưởng thức cải lương và góp phần lưu giữ giá trị tinh hoa của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Theo Thanh Hiệp (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm