Tốt nghiệp ĐH xong mới nhập ngũ

Sáng 22-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới. Hai vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu mổ xẻ là thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ và diện được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ.

Phải tăng chất xám cho quân đội

Đại tá Nguyễn Mạnh Tường, Trưởng phòng Pháp chế Công an TP.HCM, đặt vấn đề: “Hiện nay mục tiêu của quân đội là tăng quân số hay tăng chất lượng? Tôi nghĩ chúng ta chưa cần phải tăng quân số. Nếu dự thảo thay đổi diện tạm hoãn gọi nhập ngũ mà yêu cầu về số lượng quân đội vẫn giữ nguyên thì lại tạo ra áp lực cho hội đồng NVQS trong việc xét duyệt, ngoài ra còn có các áp lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực… Nếu chưa cần tăng quân số thì chúng ta cần tăng chất lượng cho quân đội”.

Theo Đại tá Tường, hiện nay một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại rất cần lượng công dân nhập ngũ có chất xám. “Đề nghị với số trúng tuyển NVQS mà đỗ đại học (ĐH) nên tạm hoãn việc thực hiện NVQS nhưng khi tốt nghiệp ĐH xong thì phải thực hiện NVQS. Lúc bấy giờ chất lượng, chất xám trong quân đội mới tăng lên. Còn nếu thực hiện NVQS xong mới về học ĐH thì chất xám trong quân đội không tăng được” - ông Tường nhấn mạnh. Giải thích thêm, ông Tường cho rằng khi học ĐH xong mới đi NVQS thì nhận thức sẽ tăng lên, kể cả nhận thức về chính trị, đồng thời có sự am hiểu đa dạng về ngành nghề.

Các tân binh của lực lượng hải quân chào cờ Tổ quốc trước khi lên đường nhập ngũ. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ủng hộ ý kiến này, Thiếu tướng Lê Minh Quang, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7, lưu ý: “Lâu nay chúng ta chưa có biện pháp khả thi để tuyển chọn thanh niên có trình độ, tức những người đã tốt nghiệp ĐH, cao đẳng, các trường đào tạo nghề… đi NVQS. Thế nên vừa rồi người ta có nói đi NVQS toàn là người nghèo. Đó là sự thật!”.

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng cho rằng với lần sửa đổi này thì thành phần đi NVQS phải gồm cả đại chúng và tinh hoa chứ như hiện nay chủ yếu là lấy đại chúng. “Quân đội muốn chính quy, hiện đại phải lấy được thành phần tinh hoa. Tinh hoa là phải lấy người học giỏi, thi đậu ĐH đi NVQS chứ lấy thành phần rớt ĐH thì làm sao hiện đại được” - ông Lịch nói.

Liên quan đến việc cán bộ, công chức phải thực hiện NVQS, TS Lịch đề xuất: “Phải xem thời gian nhập ngũ giống như là nghỉ không lương tại các cơ quan, đơn vị. Sau khi quay về, đương nhiên họ phải được tính thâm niên làm việc và được đảm bảo công việc”. Tán đồng, Thiếu tướng Quang nêu ý kiến: “Luật phải xây dựng biện pháp chế tài đủ mạnh để đảm bảo việc giải quyết chế độ việc làm cho quân nhân xuất ngũ, nhất là những người đã tốt nghiệp ĐH. Luật phải quy định các cơ quan, đơn vị kinh tế phải nhận và bố trí công tác ngang bằng hoặc cao hơn một bậc cho hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ, như thế mới khuyến khích được công dân tham gia NVQS”.

Phục vụ tại ngũ: 18 tháng là phù hợp?

Thiếu tướng Quang cung cấp thông tin: Bộ Tư lệnh Quân khu đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật NVQS sửa đổi lần này. Trong ba phương án về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 - 12 - 18 tháng đối với binh sĩ và 24 tháng đối với hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thì đa số chọn “thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng”. “Đây cũng là quan điểm của Quân khu 7 vì chúng ta phải xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Nhu cầu huấn luyện rất là cần, với dung lượng thời gian ngắn thì không đủ điều kiện để tiếp thu khoa học kỹ thuật” - tướng Quang nói.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Sáng (Hội Luật gia TP.HCM) lại cho rằng thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình nên là 18 tháng và con số này được nhiều đại biểu dự hội thảo đồng tình. Luật sư Sáng phân tích: “Theo tôi thì 18 tháng đủ để huấn luyện hạ sĩ quan và binh sĩ. Lại nữa, đất nước ta đã giải phóng gần 40 năm, đang trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa nên cần tăng lực lượng sản xuất lao động, không cần tăng số quân thường trực. Thời gian huấn luyện là 18 tháng phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp nói chung và cải cách việc huấn luyện trong quân đội nói riêng. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có nêu đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban đề nghị là 18 tháng, tôi cho rằng các ý kiến đó có cơ sở”.

TÁ LÂM

Nên tăng thực quyền cho Quốc hội

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng nên tăng thực quyền cho Quốc hội để nâng cao vị thế của Quốc hội. Quốc hội phải là cơ quan quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước, tổng biên chế nhà nước… Theo các đại biểu, luật cũng cần quy định theo hướng Quốc hội nên chủ động trong xây dựng pháp lệnh.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, các ý kiến cho rằng nên tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vì đây là một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội được cử tri và dư luận đồng tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới