“Công, viên chức phải nhập ngũ”: Bình đẳng hay tạo thêm phiền phức, tiêu cực?

Tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14- 8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu đề xuất “Từ năm 2015 sẽ tập trung gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi nghĩa vụ quân sự (NVQS)”.

“Công, viên chức phải nhập ngũ”: Bình đẳng hay tạo thêm phiền phức, tiêu cực? ảnh 1
Đại tướng Phùng Quang Thanh với các tân bình trong ngày nhập ngũ

Các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH hầu hết đều nhất trí với đề xuất này và cũng đề nghị xây dựng các quy định sao cho bình đẳng trong việc thực hiện NVQS, tránh tình trạng được miễn nhiều quá.

Công chức, viên chức đi NVQS thì lấy ai làm việc?

Góp ý dự Luật này, nhiều bạn đọc gửi ý kiến tranh luận có nên yêu cầu cả cán bộ công chức, viên chức đi NVQS không. Có không ít các ý kiến phản đối đề xuất này. Các bạn cho rằng, làm công chức, viên chức cũng là đang xây dựng, cống hiến cho đất nước, nếu gọi lực lượng này đi NVQS thì lấy ai ở lại làm kinh tế, quản lý đất nước.

Không đồng ý với đề xuất trên, bạn đọc Nguyen Hoang Long viết: “Tại sao công chức, viên chức lại phải đi NVQS trong khi họ cũng đang phục vụ đất nước? Rồi sau 2 năm đi nghĩa vụ về họ sẽ làm gì, cơ quan nơi họ làm việc có nhận lại ko? Khó hiểu!”

Đồng ý, bạn đọc Phạm Anh Dũng thắc mắc: “Công chức và viên chức đang làm việc mà đi nghĩa vụ xong về thì ai lo việc làm cho họ đây?. Như vậy chúng ta phải có thêm một qui định nữa là các cơ quan nhà nước phải bố trí lại việc làm khi công chức đi nghĩa vụ về đúng với việc mà trước khi đi làm nghĩa vụ, rất là phiền phức”. Ý kiến này nhận được một số ý kiến đồng tình.

Bạn Duy Kha thì cho rằng: “Chúng ta càng quy định khắt khe cái gì thì càng nảy sinh tiêu cực ở chỗ quy định đó. Quân mỗi đợt lấy không nhiều lại mở rộng đối tượng tuyển quân thì tôi e rằng sẽ có nguy cơ việc hối lộ và ăn hối lộ để không phải đi lính càng mạnh bạo”. Bạn Nguyen Dung đồng tình: “Hàng năm nước ta có tới hàng triệu thanh niên đến tuổi nhập ngũ chẳng lẽ kêu cả triệu người vào quân đội? Vì vậy tốt hơn hết là làm cách nào đó để mọi người đến tuổi NVQS đều có thể tham gia các công tác phục vụ an ninh quốc phòng, không nhất thiết là cứ phải vào quân đội. Trong công tác tuyển quân ưu tiên trước hết cho những thanh niên đủ tiêu chuẩn và tình nguyện nhập ngũ, chú trọng xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp để làm nòng cốt cho hoạt động quân sự, đặc biệt là trong các quân binh chủng có trang bị kỹ thuật hiện đại”.

“Công, viên chức phải nhập ngũ”: Bình đẳng hay tạo thêm phiền phức, tiêu cực? ảnh 2
Từ 2015, công chức, viên chức cũng phải nhập ngũ? 

Bạn đọc Phùng Văn Sơn cũng không đồng ý: “Đâu nhất thiết phải tập trung thì mới thực hiện được NVQS. Theo tôi cứ huấn luyện như hiện nay, học sinh sinh viên huấn luyện theo quy định xưa nay và kiểm tra đánh giá chất lượng một cách nghiêm khắc, cán bộ công nhân viên chức và quân nhân dự bị cũng duy trì như vậy. Mỗi đợt huấn luyện diễn tập tổ chức sử dụng vũ khí khí tài trang thiết bị quận sự một cách nghiêm túc và có chất lượng thật sự. Làm như vậy đỡ tốn kém cho ngân sách. Chứ gọi tập trung hết vào với số lượng rất đông thì vừa tốn kém mà chất lượng thật sự thì…”

Một bạn đọc tên Phong thì góp ý: “NVQS nên là bắt buộc cho mọi thanh niên ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông và không thi đậu vào bất cứ ngành học nào và/hoặc trường nào; cá nhân nào không có giấy chứng nhận đang lao động từ một cơ quan hay công ty thì phải thực hiện NVQS”. Bạn cho rằng phải có sự phân công lao động trong xã hội rõ ràng, ai cũng đi lính thì ai làm kinh tế và đóng thuế? 

“Việc con em các bộ nhà nước hay bất cứ ai trốn NVQS hay được hoãn thì xử lý theo cơ chế trên. Chứ đi lính về thì còn nhớ gì nữa mà làm việc. Đang học mà bảo lưu để đi NVQS, về có nhớ gì nữa đâu, lúc đó phải học lại từ đầu sao. Có thể tạo ra cơ chế tuyển dụng nhân tài vào làm cho quân đội và trả lương đàng hoàng. Còn việc bỏ tất cả mà đi NVQS thì thật là vô lý và khiêng cưỡng. Công bằng thì phải công bằng trong mọi lĩnh vực, không phải chỉ có đi lính” bạn Phong nói thêm.

Thực hiện NVQS là trách nhiệm của mọi công dân

Tuy nhiên, ý kiến áp đảo vẫn là đồng tình với đề nghị gọi công chức, viên chức đi NVQS. Các bạn đều cho rằng việc quy định như vậy mới tạo được sự bình đẳng đối với tất cả mọi người khi đến tuổi đi NVQS.

Bạn đọc Lý Khánh Hòa nhận xét: “Tôi rất đồng ý với quan điểm của Bác Phùng Quang Thanh. Thực hiện NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, vì vậy mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ này”.

Ý kiến của một bạn đọc tên Tuyết cũng nhận được nhiều “Like” đồng ý:Tôi rất đồng tình ủng hộ việc thực hiện NVQS này. Hiện tại đúng là đại bộ phận đi thực hiện NVQS chỉ là con em nông dân. Đảng, Nhà nước nên thay đổi lại chính sách để bình đẳng hơn. Theo cá nhân tôi thấy, nên học tập theo chính sách và nghĩa vụ của Hàn Quốc”. Bạn với “nick name” mautim đồng tình ngay: “Đừng phân biệt học chính quy hay học chi khác, đi nhập ngũ hết, hết hạn về học tiếp, làm giống Hàn Quốc vậy, đó là cứ thanh niên đủ 18 tuổi là bắt buộc nhập ngũ”

Bạn Hoàng Minh Tâm, Tài Lanh, Đào Văn Lực, Đỗ Văn Sơn, Lý KHánh Hòa, Nguyen Huu Truc, Lê Ngọc Tiến… cũng đồng ý với đề xuất. Các bạn đều cho rằng tất cả công dân Việt Nam khi đến tuổi NVQS đều phải thi hành NVQS và đây phải được xem là nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước. Việc hiện nay thực hiện NVQS chỉ có con em lao động nghèo và ở nông thôn tham gia, còn con em cán bộ công chức nhà nước không tham gia như vậy là không công bằng.

Nhận được "Like" đồng tình của rất nhiều bạn đọc khác là bạn Tài Lanh, bạn Tài Lanh góp ý kiến rằng “Để bảo đảm bình đẳng trong thực thi nghĩa vụ của công dân, mọi công dân đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Ai còn trong tuổi nghĩa vu thì phải thực hiện. Nói như bà Phó Chủ tich Quốc Hội rất hợp tình, hợp lý, không nên phân biệt ở bất cứ thành phần nào trong xã hội.

Tuy nhiên, để khuyến khích đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao, Nhà nước nên cho tạm hoãn những học sinh học trung học chuyên nghiệp nghề, khi ra trường nếu còn tuổi nghĩa vụ vẫn phải thực hiện và những thành phần này sẽ được sử dụng vào những binh chủng phù hợp với nghề đã học, vừa có ích lại không bị lụt nghề. Như vậy, sẽ có một số học sinh tốt nghiệp cấp 3 sẽ tham gia học đào tạo nghề mà chính phủ không phải khuyến khích như hiện nay.

Bạn đọc Đang An còn hùng hồn nêu dẫn chứng “cứ học theo kinh nghiệm của Ixraen, họ có lực lượng quân sự ít hơn khối Ả rập về số lượng do dân số ít nhưng chất lượng vũ khí, trình độ học vấn của binh sỹ hơn hẳn vì luật NVQS tương đối công bằng, cụ thể. Đây là một trong những yếu tố mà họ luôn giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu với các nước Ả Rập (?)

Đưa NVQS làm căn cứ đề bạt chức vụ

Các bạn đọc cho rằng việc thực hiện NVQS là niềm tự hào, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân đối với tổ quốc mình, nên chăng lấy việc thực hiện NVQS như một căn cứ, thước đo để cất nhắc cán bộ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đất nước.

Bạn đọc Đào Văn Lực so sánh: “Đối với các chính trị gia nổi tiếng thế giới, việc tham gia quân đội là niềm tự hào và là thước đo để được đề cử tham gia hệ thống chính trị đất nước. Còn ở ta, nhiều con ông cháu cha lại không nghĩ như vậy, họ rất trẻ, thành tích phụng sự đất nước không có, chỉ biết đi học là đã được tham gia giữ cương vị lớn trong hệ thống chính trị quốc gia. Những người này không tình nguyện tham gia quân đội thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, như vậy không đáng giữ các chức vụ đó”.

Đồng tình, bạn Hoàng Dung nêu dẫn chứng: “Đồng ý với bạn. Dưới chế độ phong kiến, chỉ dựa vào tiêu chuẩn "văn võ song toàn" người ta cũng đã tìm ra được những nhà lãnh đạo xuất sắc. Con quan lại, vua chúa ngoài học vấn uyên bác, thường là những danh tướng trong quân đội”.  Bạn cũng đề xuất nên quy định những trọng trách nào cần thiết phải thực hiện xong NVQS đối với các chức danh từ Chủ tịch UBND huyện trở lên.

Bạn đọc Lý Khánh Hòa đề nghị: “Theo tôi nên nghiên cứu thêm các chính sách, quy định của các nước về chương trình thực hiện nghĩa vụ 24 tháng trong quân ngũ, để làm sao khi một người vừa hoàn thành NVQS vừa có bản lĩnh chính trị, đạo đức, ứng xử xã hội, kỷ luật vững vàng, vừa có khả năng hòa nhập tốt với xã hội và được xã hội tôn trọng thành quả nghĩa vụ của họ” Bạn cho rằng, nếu làm được điều này có lẽ tất cả thanh niên đều hăng hái đi NVQS.

Nhiều bạn đọc cũng đề nghị Quốc Hội nếu thông qua đề xuất này thì nên chú ý đến việc ban hành những chế định hợp lý kèm theo.

Ý kiến bạn Đào Trọng An nhận được nhiều “Like” với đề nghị: “NVQS thời bình nên trong phạm vi 12 tháng là phù hợp. Hiện nay trang thiết bị quân sự hiện đại và văn minh nên lực lượng quân đội nhập ngũ phải có trình độ văn hóa để tiếp thu kiến thức vận hành, sử dụng. Đối tượng nhập ngũ cần cân nhắc không chỉ tuổi tác, sức khỏe. Việc huấn luyện cần bài bản hơn và phù hợp tình hình chung của thế giới hiện nay”. Bạn Dũng Nguyễn đồng tình: “Thanh niên được gọi nhập ngũ phải là những người có trình độ cao để nâng cao chất lượng quân đội”

“Công, viên chức phải nhập ngũ”: Bình đẳng hay tạo thêm phiền phức, tiêu cực? ảnh 3

Bịn rịn chia tay ngày nhập ngũ 

Như vậy, dù còn nhận được những ý kiến trái chiều, không đồng thuận việc quy định công chức, viên chức thực hiện NVQS, nhưng việc đề xuất quy định này trong bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay là không thừa. Tuy nhiên để quy định này nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, các nhà làm luật cần phải nghiên cứu ban hành một quy định sao cho hợp tình, hợp lý, công bằng cho mọi đối tượng và hợp lý trong tình hình đất nước hiện nay.

Để thay cho lời kết, có thể nêu ý kiến của bạn Nguyễn Hùng và bạn Hoàng Minh Kiên như sau: “Đã gọi là nghĩa vụ nhất là NVQS thì mọi công dân đều có trách nhiệm như nhau, không có từ "miễn" hay "hoãn" tại đây; có khác chăng là thời hạn NVQS ở các thành phần đang tại chức có thể sẽ ngắn hơn mà thôi” Ý kiến này của bạn Hùng nhận được khá nhiều “Like” từ các bạn đọc khác. Và bạn Hoàng Minh Kiên thì khẳng định: “Tôi thấy như vậy là hợp lý. Tôi đã đi làm được 14 năm nhưng nếu có quy định như vậy tôi sẵn sàng đi ngay”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm