Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/8, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, hiện 90% trường hợp đi nghĩa vụ quân sự là con em nông dân. Cán bộ, công chức, viên chức không được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng trong quá trình tuyển quân vừa qua không tuyển. Từ năm sau nên tuyển, phải tuyển cán bộ công chức, viên chức, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về vấn đề này.
Ông bình luận gì về ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng nên tuyển, phải tuyển cán bộ công chức, viên chức, người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội?
Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương trên vì làm như thế sẽ nâng cao được chất lượng quân đội, đặc biệt quân chủng hải quân và không quân Việt Nam hay một số binh chủng kỹ thuật. Các lực lượng đó rất cần những người có trình độ từ cao đẳng, đại học…
Những năm qua, đối tượng được tuyển đi nghĩa vụ quân sự chủ yếu ở nông thôn. Hầu hết họ đều chưa tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc vừa tốt nghiệp nên muốn đưa vào đào tạo chuyên môn có chiều sâu rất khó khăn.
Trong đợt tuyển quân đầu năm 2014, có nhiều tân binh là người vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Theo ông, thời gian qua vì sao có tới 90% trường hợp đi nghĩa vụ quân sự là con em nông dân?
Đó là hạn chế của luật. Do luật còn nhiều bất cập nên từ trước tới nay, những người đi nghĩa vụ quân sự chủ yếu là con em nông dân. Ngoài ra, để đảm bảo đủ số lượng người đi nghĩa vụ quân sự, người ta phải tuyển chủ yếu ở vùng nông thôn. Giờ là lúc cần đảm bảo công bằng trong việc tuyển quân.
Không thể đưa tất cả những thanh niên trong độ tuổi, đủ điều kiện vào quân đội, bởi vấn đề này liên quan đến kinh phí và trong điều kiện hiện nay ngân sách không thể đảm bảo được. Vậy nếu mở rộng đối tượng, tuyển cả cán bộ, viên chức đi nghĩa vụ quân sự, chuyện gì sẽ xảy ra thưa ông?
Những người trong độ tuổi, đủ điều kiện, nhưng chưa được nhập ngũ phải tự kiếm công ăn, việc làm sao cho phù hợp như tham gia lao động, sản xuất tại quê hương… Đương nhiên, khi cán bộ, viên chức cũng đi nghĩa vụ quân sự, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, phải có sự tính toán, cân đối trước khi thực hiện chủ trương này, nhưng dù thế nào tôi cũng cho rằng đã đến lúc nên bổ sung cán bộ, viên chức vào đội ngũ quân đội để nâng cao chất lượng của lực lượng này.
Trong thời bình, lý do để cán bộ, viên chức nên tham gia nghĩa vụ quân sự là gì thưa ông?
Trước hết, đi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Sau nữa, rõ ràng môi trường quân đội là môi trường có tính kỷ luật cao, có tổ chức. Điều đó sẽ rèn luyện cho mỗi người ý thức, tính kỷ luật với cá nhân, tập thể và Tổ quốc. Quân đội cũng chính là trường học, là nơi đào tạo, giáo dục để mỗi người ngày càng trưởng thành hơn.
Tôi nghĩ đó là những cái được lớn nhất khi người ta tham gia quân đội.
Cũng theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, người đi nghĩa vụ quân sự nên phục vụ 24 tháng sẽ tốt hơn 18 tháng như hiện nay, ông có nghĩ vậy không?
Đúng là nên để người đi nghĩa vụ quân sự phục vụ 24 tháng thay vì 18 tháng như hiện nay, nhất là với hải quân và không quân. Bởi vì lực lượng đó cần có sự đào tạo chuyên sâu, khó hơn khóa đào tạo 18 tháng. Đáng nói, nếu chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi e rằng họ không thể đảm đương, “tiêu hóa” nổi những kiến thức phải học trong khóa đào tạo.
Ông có nghĩ rằng, nếu thời gian nhập ngũ là 24 tháng thì một năm chỉ nên tuyển quân một lần, ra quân một lần để đỡ chi phí tốn kém, công sức của chính quyền địa phương các cấp?
Đúng vậy. Đó là xu hướng phát triển không thể khác. Các nước có quân đội chuyên nghiệp họ đã làm từ rất lâu rồi. Lẽ ra Việt Nam nên làm thế từ vài năm trước chứ không phải chờ tới bây giờ mới bàn về chuyện này.
Sở dĩ đến giờ ta mới chịu đi theo xu hướng của thế giới là vì luật của ta ban hành 5 – 7 năm sau mới thấy bất cập, rồi họ lại cần thêm một quy trình kéo dài mới có thể sửa luật dẫn tới tình trạng trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người không đủ sức khỏe, bị tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. Như vậy, đối tượng được tuyển chọn đi nghĩa vụ quân sự thời bình có gì khác với thời chiến thưa ông?
Các trường hợp mà Chủ tịch Quốc hội nêu trên theo tôi là đủ, đã bao quát được tất cả các đối tượng cần được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi.
Thời chiến, nếu bố hoặc mẹ là liệt sĩ thì đối tượng đó cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn nếu gia đình chỉ có một con trai độc nhất thì cũng được tạm hoãn/miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thời đó, luật nghĩa vụ quân sự khi áp dụng “mở” lắm chứ không như thời bình.
Thế nhưng, tương tự như thời nay, những người mắc bệnh tâm thần hay mắc bệnh truyền nhiễm, thậm chí ghẻ lở, hắc lào… cũng là những đối tượng miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo ông, có nên áp dụng quy định cứ 18, 19, 20 tuổi thì đi nghĩa vụ quân sự rồi về học đại học, học nghề hoặc đi học ở nước ngoài?
Quá hợp lý vì độ tuổi đó là đủ tuổi, đủ điều kiện tham gia vào quân đội. Có người sợ sẽ bị quên kiến thức của thời trung học phổ thông, nhưng tôi nghĩ quên được hay không còn tùy người. Nếu có quy định này, đó sẽ là tiền đề tạo sự công bằng trong xã hội.
Những người đã tốt nghiệp đại học vẫn nên tham gia nghĩa vụ quân sự nếu họ chưa quá 30 tuổi vì đó là trách nhiệm của mỗi công dân. Nên nhớ môn giáo dục quốc phòng đang được giảng dạy trong các trường cao đẳng, đại học bây giờ không thể thay thế việc đi nghĩa vụ quân sự.
Xin cảm ơn ông!