TP.HCM: Nhiều cây xanh trong dải phân cách bị đào trộm

(PLO)- Theo thống kê từ năm 2020 đến nay có hơn 2.000 gốc hoa giấy bị đào trộm tại một số tuyến đường ở TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, tình trạng trộm cây xanh ở đô thị diễn ra không ít. Đơn cử, ngày 16-5, một số cây hoa giấy được trồng tại dải phân cách quốc lộ 1 (thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) đã bị kẻ gian đào trộm.

Hoa giấy bị đào trộm ở giải phân cách Quốc lộ 1, thuộc địa bàn quận 12, TP.HCM

Hoa giấy bị đào trộm ở giải phân cách Quốc lộ 1, thuộc địa bàn quận 12, TP.HCM

Ông Nguyễn Kim Khiếu, phó giám đốc Công ty Môi trường xanh (đơn vị phụ trách chăm sóc cây xanh khu vực trên) cho biết, tình trạng kẻ gian đào bới lấy đi phần gốc những cây hoa giấy ở dải phân cách Quốc lộ 1 đã xảy ra nhiều trong thời gian qua.

Theo thống kê từ năm 2020 đến nay có hơn 2.000 gốc hoa giấy bị trộm. Tình trạng mất cắp hoa giấy đã diễn ra ở dọc quốc lộ 1, quốc lộ 22.

Tuy đã trồng những cây hoa giấy khác để thay thế, nhưng những cây thay thế nhỏ hơn những cây hiện hữu, khó tạo thành một khối liên kết, điều này gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

“Chúng tôi đã trồng lại những cây hoa giấy mới tại những chỗ bị mất. Sau khi bị mất trộm, chúng tôi đã báo cho các cơ quan có liên quan để xử lý. Những cây trồng này là tài sản chung, nên tôi nghĩ ai cũng cần có trách nhiệm bảo vệ”- Ông Khiếu thông tin.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ (người dân ở khu vực quận 12, TP.HCM) việc mất cây này thường xảy ra ở các những dải phân cách vào ban đêm. Do gốc hoa giấy tương đối dễ đào nên số lượng bị trộm nhiều hơn những loại cây khác.

Ông Vũ Văn Điệp, giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết, việc mất trộm này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã báo với chính quyền địa phương biết để tăng cường tuần tra, kiểm soát. Khi xác định được người nào cụ thể đào trộm thì trung tâm và cơ quan chức năng địa phương sẽ cùng phối hợp xử lý theo quy định.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại Điều 54 Nghị định 16/2022

Trường hợp người vi phạm nhằm mục đích chiếm đoạt cây xanh thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021 hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 173 về tội trộm cắp tài sản nếu giá trị tang vật từ 2 triệu đồng trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm