TP.HCM siết chặt hoạt động ở 13 phường, xã vùng cam

Chiều 3-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức về tình hình dịch trên địa bàn.

Đặt mục tiêu vượt qua đỉnh dịch trong hai tuần tới

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết trong những ngày gần đây, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng và tăng nhanh, bình quân 2.182 ca/ngày/tuần, gấp 2,34 lần so với tuần trước đó (930 ca/ngày/tuần). Tuy nhiên, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp tăng nhẹ, số ca tử vong tiếp tục ở mức thấp.

Đặc biệt, trong tuần qua có 13 phường, xã ở cấp độ dịch là cấp 3 (vùng cam), tăng mạnh so với tuần trước đó khi chỉ có duy nhất một địa phương là vùng cam. Do vậy, khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn, các phường, xã, thị trấn cần điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch thích ứng với cấp độ dịch theo Quyết định 3900 của UBND TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng việc xuất hiện lại nhiều phường, xã vùng cam là dấu hiệu đáng lo ngại. “Hiện tại là thời điểm không thể buông lơi. Việc cần làm ngay của các địa phương là căn cứ theo Quyết định 3900 của UBND TP về quy định các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để ban hành các quy định điều chỉnh hoạt động theo đúng cấp độ dịch” - ông Đức nói.

Theo Quyết định 3900, toàn bộ 13 xã, phường vùng cam sẽ phải hạn chế một số hoạt động để phòng chống dịch. Cụ thể, ở cấp phường, xã, nếu dịch cấp độ 3 thì hoạt động như đám cưới, đám tang, lễ hội, cơ sở massage, spa, làm đẹp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ, cơ sở làm tóc, rạp chiếu phim... phải hoạt động hạn chế, có điều kiện. Đặc biệt, các cơ sở dịch vụ như massage, spa, làm đẹp... hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm. Các dịch vụ như bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke không được hoạt động.

Theo ông Đức, cấp độ dịch 1 hoặc 2 thì các hoạt động được tổ chức tương đối thoải mái. Nhưng các địa phương ở cấp độ 3 cần siết chặt các hoạt động. “Địa phương nào không thực hiện nghiêm thì cần bị xử lý” - ông Đức nói và yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức phải cử đoàn kiểm tra, chấn chỉnh đối với những nơi thuộc cấp độ 3 của dịch COVID-19 mà chưa điều chỉnh các hoạt động.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu trong hai tuần tới, TP cần cố gắng vượt qua đỉnh dịch COVID-19. Để làm được điều đó, các sở, ngành cần tham gia hỗ trợ cơ sở về nguồn lực phòng chống dịch.

Ở cấp phường, xã, nếu dịch cấp độ 3 thì hoạt động như ăn uống tại chỗ, spa, cơ sở làm tóc,... phải hoạt động hạn chế, có điều kiện. Trong ảnh: Cơ sở làm tóc ở TP.HCM khôi phục hoạt động sau đợt dịch thứ tư. Ảnh: NGUYỆT NHI

Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ em mắc COVID-19 sang người thuộc nhóm nguy cơ, giám đốc Sở Y tế cho rằng cần triển khai hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho trẻ em mắc COVID-19 và tất cả trẻ em dưới 12 tuổi khi có triệu chứng sốt đến khám cần được xét nghiệm tầm soát. Đối với những hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ em mắc COVID-19 với người thuộc nhóm nguy cơ cao thì cần cho trẻ em nhập viện điều trị.

Không nâng giá, tạo sốt ảo trong mua bán thuốc điều trị COVID-19

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết số nghi mắc COVID-19 ở trường học, trong tuần qua ghi nhận gần 19.500 trường hợp, tăng mạnh so với tuần trước đó (7.500 trường hợp). Tỉ lệ người nghi mắc ở trường học là 2,31%. Số học sinh mắc COVID-19 nhập viện trong tuần qua là 1.159.

Ông Thượng đề nghị từ nay đến 31-3, mở đợt cao điểm mới của chiến dịch bảo vệ người nguy cơ. Trọng tâm là đi từng ngõ, gõ từng nhà, cập nhật danh sách các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền). Sau đó, thực hiện xét nghiệm tầm soát để sớm phát hiện F0 và chủ động điều trị thuốc. “Nếu người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa tiêm và chưa tiêm đủ liều vaccine thì vận động, thuyết phục tiêm đủ liều” - ông Thượng nói.

Sau khi nghe thêm báo cáo của các địa phương, phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đề nghị các phường, xã, thị trấn có ngay biện pháp khắc phục nếu dịch trên địa bàn gia tăng. Tuyệt đối không để địa phương nào tăng cấp độ dịch lên mức 4 và phải giảm thật nhanh các địa phương có cấp độ dịch 3 và 2 để giữ màu xanh, tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức siết chặt kỷ cương trong phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền để người dân đồng hành cùng chính quyền TP thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Các địa phương cần củng cố hệ thống y tế cơ sở, tổ COVID-19 cộng đồng, phát huy tối đa mạng lưới thầy thuốc đồng hành trong tư vấn trực tuyến, hỗ trợ chăm sóc F0.

Ông Đức cũng yêu cầu Sở Y tế có hướng dẫn kịp thời trong cung ứng thuốc, dự phòng trang thiết bị, sinh phẩm sẵn sàng trong tình hình mới. Đặc biệt, phải đảm bảo không khan hiếm, không nâng giá, không ghìm hàng tạo sốt ảo trong mua bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Liên quan đến việc tổ chức dạy và học, ông Đức yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và các địa phương có hướng dẫn, chỉ đạo đảm bảo tính nhất quán, phù hợp trong dạy và học, giúp thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp học sinh có môi trường học tập tốt nhất có thể. “Cần thực hiện đúng lời hứa với người dân - đó là thực hiện dạy trực tiếp và dạy trực tuyến đồng bộ trên địa bàn TP, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh chọn lựa học theo nhu cầu” - ông Đức nói.

13 xã, phường là vùng cam

Theo đánh giá cấp độ dịch trong tuần qua (từ ngày 21 đến 27-2), TP.HCM có 222 phường, xã đạt cấp độ 1 (vùng xanh); 77 phường, xã cấp độ 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam). Trong khi tuần trước đó chỉ có một phường là vùng cam.

Cụ thể, 13 xã, phường là vùng cam gồm: phường 3 (quận 5); các phường 5, 7, 11, 12 (quận 10); phường 11 (quận 11); các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn); các phường Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B, An Phú, An Lợi Đông (TP Thủ Đức). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm