TP thông minh Đà Nẵng sẽ nâng cao chất lượng sống cho dân

Đà Nẵng đang triển khai đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Xoay quanh đề án đang triển khai này, Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.

Định hình đô thị thông minh

. Phóng viên: Đà Nẵng xác định mục tiêu nào là trọng tâm trong việc xây dựng TP thông minh, thưa ông?

 + Ông Nguyễn Quang Thanh: Đà Nẵng xác định mục tiêu hình thành hạ tầng và cơ sở dữ liệu thông minh đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng TP thông minh. Theo đó, TP hình thành trung tâm giám sát, điều hành và xử lý tập trung, đa nhiệm kết nối; phân tích dữ liệu liên ngành, cung cấp các chỉ số kinh tế - xã hội và đô thị; hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành về quản lý và vận hành TP thông minh, nhất là trong tình huống khẩn cấp.

Đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có trung tâm dữ liệu điện toán đám mây bảo đảm cho các dịch vụ dữ liệu lớn, bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và dự phòng thảm họa. TP cũng có thẻ du lịch thông minh với đầy đủ tiện ích, triển khai học liệu điện tử, phòng thí nghiệm ảo, lớp học thông minh và nhân rộng bệnh viện thông minh, chăm sóc y tế qua mạng. Cùng với đó là hoàn thành mô hình TP thông minh khu vực Liên Chiểu và cụm đô thị thông minh tại các khu công nghệ.

. Vậy theo ông, với những mục tiêu này, Đà Nẵng có thuận lợi, khó khăn gì trong thực hiện đề án?

+ Lãnh đạo TP rất quyết tâm trong việc chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT). TP cũng đã có kinh nghiệm trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN phần mềm và nội dung số đã tạo ra sự tự tin cần thiết trong việc chủ động về công nghệ.

Bên cạnh đó, TP có nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi, sáng tạo và thích ứng nhanh. Đà Nẵng cũng có tỉ lệ ứng dụng công nghệ trong xã hội ở mức cao, tỉ lệ thuê bao viễn thông, đặc biệt là sử dụng Internet, điện thoại thông minh trong người dân, DN cao.

Tuy vậy, thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng hiện chưa cao nên việc lựa chọn quy mô, hạng mục đầu tư và đầu tư lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện và có ảnh hưởng lớn trong quá trình triển khai.

Để bảo đảm tính liên thông, liên vùng trong việc triển khai chính quyền điện tử, TP thông minh đòi hỏi phải có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện, sự chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành trung ương và sự đồng bộ từ lãnh đạo cao cấp đến chuyên viên để hệ thống thống nhất về dữ liệu cũng như không tắc về quy trình.

Ngoài ra, để triển khai TP thông minh cũng cần nguồn kinh phí khá lớn và lâu dài. Việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ về CNTT hết sức khó khăn, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch...

Đà Nẵng quyết tâm nâng cấp TP thông minh để phục vụ tốt nhất
cho người dân. Ảnh: TẤN VIỆT

TP đặt người dân ở trung tâm

. Hiện nay, Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị như thế nào để người dân hội nhập với thời đại công nghệ số?

+ Đà Nẵng đã xác định công dân thông minh là một trong sáu trụ cột trong việc triển khai TP thông minh. Ở đó người dân đóng vai trò cốt lõi, trung tâm và là đối tượng thụ hưởng chính các thành quả, lợi ích mang lại từ TP thông minh.

Cụ thể, từ khi đưa vào sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử, TP đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đăng ký tạo lập tài khoản công dân điện tử. Từ đó người dân có thể tương tác với các cơ quan TP, nộp hồ sơ trực tuyến cũng như sử dụng các hệ thống thông tin khác của TP.

Đà Nẵng cũng rất trân trọng từng góp ý của người dân và coi đây là trọng tâm để phát triển các dịch vụ thông minh tương ứng nhằm phục vụ người dân. Đồng thời, các phản ánh của DN về thủ tục hành chính hay các khó khăn khác cũng sẽ được TP quan tâm khi xây dựng TP thông minh.

. Đà Nẵng đang thực hiện đề án chuyển đổi số, bắt đầu thí điểm mô hình chính quyền đô thị, vậy TP thông minh đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành một chính quyền đô thị hiện đại?

+ Việc triển khai đề án chuyển đổi số sẽ kế thừa các kết quả của đề án TP thông minh. Đồng thời bổ sung thêm các nhiệm vụ như kiến tạo thể chế, đổi mới khu vực công, cải cách quy trình, chuyển đổi nhận thức trong cơ quan nhà nước, DN và người dân, đào tạo kỹ năng số, phát triển nhân lực số... để triển khai thành công ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tạo cơ chế chính sách, huy động người dân, DN cùng tham gia và có hoạt động cần thiết để là DN số, công dân số. Việc triển khai xây dựng chính quyền số, TP thông minh bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mô hình chính quyền đô thị sẽ mang lại lợi ích, chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân.

. Xin cám ơn ông.

TP Đà Nẵng đứng đầu cả nước về cả ba tiêu chí

Bộ TT&TT vừa công bố báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (bảng xếp hạng DTI) năm 2020.

Theo đó, Đà Nẵng đứng thứ nhất toàn quốc ở cấp tỉnh, nhất ở cả ba tiêu chí là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới