TP Thủ Đức lý giải thêm về mức giá bồi thường Vành đai 3

(PLO)- TP Thủ Đức cho rằng giá bồi thường đất dự án vành đai 3 đã tương đối sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Tại họp báo thường kỳ chiều 9-11 của UBND TP.HCM, ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, TP.HCM, đã thông tin về việc thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3.

Theo đó, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức là 587 trường hợp. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức đã tổ chức chi trả tiền 412/587 trường hợp. Trong đó, 205 trường hợp đất nông nghiệp và 207 trường hợp đất ở với tổng số tiền 3.091,986 tỉ đồng; 286/412 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng với tổng diện tích bàn giao mặt bằng 89,029 ha, chiếm 89,19%.

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thông tin tại họp báo. Ảnh: THÀNH NHÂN

Lý giải nguyên nhân khiến tiến độ bồi thường chậm so với các địa phương khác, ông Dũng nói do số lượng hồ sơ lớn với gần 600 hồ sơ, diện tích thu hồi gần 100 ha (chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp có nhà, ít trường hợp đất nông nghiệp thuần).

Cạnh đó, tuyến Vành đai 3 đi qua các tuyến đường lớn của địa phương này nên việc không đồng ý giá, có so sánh giá với các địa phương khác (như Bình Dương) là không thể tránh khỏi. Vì vậy, công tác vận động chấp hành giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc thù của tuyến đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP Thủ Đức có 2/3 số lượng hồ sơ là nhà ở, đất ở. Vì vậy, việc thu thập pháp lý, xác minh, xác nhận nguồn gốc mất nhiều thời gian hơn đối với hồ sơ đất nông nghiệp và phần lớn các hộ nhận chuyển nhượng bằng giấy tay, chuyển mục đích thành đất phi nông nghiệp sau thời điểm quy định của pháp luật, không đồng ý bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp, khó khăn trong công tác vận động.

Về cơ sở áp giá bồi thường, cơ quan chức năng TP Thủ Đức căn cứ vào các Quyết định của UBND TP.HCM để thực hiện.

"Giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Giá bồi thường tương đối sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường và đã được cân đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn" - ông Dũng cho hay.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức đã thuê đơn vị tư vấn có chức năng định giá đất thực hiện khảo sát, thu thập thông tin các hợp đồng giao dịch thành công trên thị trường trên cùng tuyến đường hoặc khu vực lân cận để lập chứng thư định giá đất.

TP Thủ Đức đã thành lập sáu tổ công tác trên bốn phường do các thành viên trong Ban Thường vụ Thành uỷ làm tổ trưởng để nắm bắt tình hình, vận động, giải thích, nắm bắt từng trường hợp cụ thể, từng hồ sơ cụ thể.

Từ đó có hướng giải quyết hoặc đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai dự án.

TP Thủ Đức cũng phân loại hồ sơ, các hồ sơ đã đồng thuận tập trung triển khai chi trả ngay, xuống tại UBND các phường nơi có đất bị thu hồi để làm thủ tục chi trả cho người dân.

Các trường hợp còn lại tập trung vận động, thuyết phục, giải thích tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông của khu vực để bà con hiểu rõ và chia sẻ cùng với Nhà nước, chấp hành chủ trương.

Trường hợp đã vận động nhiều lần, đúng theo quy định thì xin chủ trương thu hồi đất bắt buộc.

Trước đó, cử tri TP Thủ Đức đã có phản ánh cùng một dự án, giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP.HCM chưa bằng một nửa so với Bình Dương. Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu đồng, trong khi đó phía TP.HCM chỉ bồi thường 7,6 triệu đồng là mức chênh lệch quá lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới