Vừa qua, ông Nguyễn Quang Chi, Phó trưởng Phòng giao thông công chính UBND TP Thủ Đức, đã có thông tin với báo chí về việc nghiệm thu, bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án đầu tư bất động sản tại TP Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Quang Chi, hiện trên địa bàn TP Thủ Đức còn rất nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là các dự án thực hiện từ giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2003.
Lý giải nguyên nhân của việc nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng, ông Chi cho biết có dự án do chủ đầu tư đã giải thể, sáp nhập; các dự án không có hồ sơ pháp lý hoặc hồ sơ pháp lý đã thất lạc.
Ngoài ra, có một số dự án có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch; công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã thực hiện nhưng không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo chất lượng;…
Để giải quyết các vướng mắc trong thời gian chờ ban hành quy định, TP.HCM cho phép Sở GT-VT TP chủ trì xem xét, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các dự án đầu tư phát triển khu đô thị trên địa bàn.
Việc giải quyết các vướng mắc trên được UBND TP.HCM chia thành 4 trường hợp với 4 cách giải quyết khác nhau.
Trường hợp 1, với dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông công chính, hồ sơ pháp lý, hồ sơ hoàn công của dự án bị thất lạc toàn bộ thì chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng để được khôi phục, cấp lại hoặc trích lục các hồ sơ pháp lý.
Sau khi có các hồ sơ pháp lý nêu trên, chủ đầu tư thực hiện khảo sát lại hiện trạng các hạng mục công trình, kiểm định chất lượng các hạng mục công trình xây dựng, sửa chữa các hư hỏng của công trình để làm cơ sở bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý.
Trường hợp 2, dự án có công trình hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nhưng chủ đầu tư đã giải thể thì UBND quận, huyện tiếp nhận hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội theo hiện trạng để quản lý.
Giao Sở GT-VT chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét phân cấp quản lý theo hiện trạng cho UBND quận, huyện theo từng trường hợp cụ thể.
Trong đó, UBND quận, huyện có thể kêu gọi người dân trong dự án hoặc các chủ đầu tư dự án liền kề để xây dựng, chỉnh trang hoàn chỉnh các hạng mục. Nếu không được, có thể đề xuất sử dụng vốn ngân sách dễ sửa chữa, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.
Trường hợp 3, với công trình hạ tầng không phù hợp quy hoạch, công trình không đảm bảo chất lượng hoặc hồ sơ thiết kế, chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục các tồn tại của công trình hạ tầng.
Biện pháp khắc phục phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thẩm định. Sau khikhắc phục thì hoàn chỉnh hồ sơ hoàn thành công trình để làm cơ sở bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý.
Trường hợp 4, dự án còn vướng mặt bằng chưa được đền bù, giải tỏa, thì chủ đầu tư có báo cáo cụ thể về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án và gửi báo cáo cho UBND quận, huyện liên quan để có ý kiến.
Trên cơ sở đó, chất lượng có phương án kết nối tạm thời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao Sở GT-VT chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan xem xét, phân công, phân cấp quản lý phù hợp với hiện trạng dự án.
Qua phân tích các trường hợp này, TP Thủ Đức nhận thấy các trường hợp nêu trên đa phần trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.
Đồng thời, việc chủ trì bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của cơ quan có chức năng là Sở GT-VT và Sở Xây dựng phối hợp. Tuy nhên, đến nay hai sở này vẫn chưa có các hướng cụ thể nào về xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Ông Chi cho biết, thời gian tới TP Thủ Đức sẽ chủ động phối hợp rà soát, phân loại các dự án đủ điều kiện bàn giao hạ tầng kỹ thuật để đề nghị và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho UBND TP Thủ Đức quản lý.