Ngày 7-12, kỳ họp thứ tám HĐND TP.HCM khóa X khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã trình HĐND TP.HCM 28 tờ trình để xem xét. Trong đó có tờ trình về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển trong năm 2023.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đang trao đổi với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê tại phiên họp sáng 7-12. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách đều đạt và vượt
UBND TP.HCM cho biết năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (6%-6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước đạt 49,5%, tăng 10,3% so với cùng kỳ…
Thu ngân sách TP ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt hơn 118% dự toán được giao và tăng hơn 17% so với cùng kỳ…
TP.HCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách thí điểm mới với tinh thần TP sẽ là nơi đi đầu, thực nghiệm các mô hình mới, mô hình tiên tiến tạo động lực phát triển.
Việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư.
Dù vậy, bà Thắng nhìn nhận kinh tế - xã hội TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà, nền kinh tế TP.HCM có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế; thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm.
Khả năng dự báo, phân tích, đánh giá… của một số đơn vị còn hạn chế, chậm và chưa sát với thực tế. Tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng. Việc triển khai lập quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 chưa đạt tiến độ theo yêu cầu…
Dự báo năm 2023 TP.HCM sẽ đối diện với nhiều thách thức hơn trong điều hành, phát triển kinh tế. Do đó, TP.HCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, hấp thụ nhanh và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị…
Đồng tình việc lập lại vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi
Tại phiên thảo luận tổ chiều 7-12, liên quan đến kiến nghị lập lại vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi, các đại biểu HĐND cho hay khu vực này thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Do đó, người dân rất đồng tình với chủ trương tái lập vòng xoay bởi việc này sẽ giúp giải bài toán ùn tắc khu vực này.
Đại biểu HĐND TP cũng đề nghị TP quan tâm đến việc tạo cảnh quan khu vực, đặc biệt là việc sử dụng tuyến đường Lê Lợi như thế nào trong thời gian tới và có quy hoạch ra sao về cảnh quan, kết nối giao thông.
UBND TP cũng đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển cho kinh tế năm 2023. Trong đó, TP.HCM hướng đến việc thực hiện chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội, tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng…
Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là bốn chương trình trọng điểm, đột phá, hoàn chỉnh quy hoạch TP, phối hợp nghiên cứu, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển TP và cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới phát triển TP.HCM.
TP sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết 54, trong đó tập trung vào khắc phục các điểm còn hạn chế, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thí điểm mới với tinh thần TP sẽ là nơi đi đầu, thực nghiệm các mô hình mới, mô hình tiên tiến tạo động lực phát triển… Nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai trả lời ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 7-12. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cấp tốc tháo gỡ giải ngân đầu tư công
Trong phiên thảo luận tổ, chiều cùng ngày, góp ý cho tờ trình về kinh tế - xã hội của TP, đại biểu (ĐB) Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư quận Bình Tân, đề cập đến những hạn chế trong giải ngân đầu tư công.
ĐB Điệp cho rằng nguyên nhân do dịch COVID-19 đã rõ. Tuy nhiên sau dịch, nhu cầu vốn của các địa phương rất lớn, HĐND TP đã có nhiều đợt giám sát, UBND TP cũng lập các tổ công tác tháo gỡ nhưng tình hình giải ngân vẫn không khả quan hơn.
Theo ông, có nguyên nhân là do quy trình thủ tục, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện còn chậm trễ. ĐB Điệp đơn cử câu chuyện của quận Bình Tân ba lần gửi kiến nghị cho sở, ngành nhưng không được trả lời. “Chỉ đến khi đăng ký làm việc với chủ tịch UBND TP thì các sở mới biết có kiến nghị này” - ĐB Điệp nói.
Bí thư quận Bình Tân cũng cho rằng cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách nhưng cũng phải ưu tiên cho địa phương nào có tỉ lệ giải ngân tốt.
ĐB Nguyễn Văn Đạt cũng bày tỏ lo ngại về tỉ lệ giải ngân đầu tư công. “Trong lúc nhu cầu vốn hết sức khó khăn, những dự án mà người dân đang chờ thì chúng ta lại không thể tăng tỉ lệ giải ngân được” - ĐB Đạt nói.
Đề đạt thêm ý kiến, một số ĐB HĐND TP đánh giá cao chủ trương rà soát và thành lập kịp thời tổ công tác, đề xuất giải quyết vướng mắc, khó khăn của các đơn vị. Đặc biệt là việc thành lập tổ tháo gỡ khó khăn của dự án đầu tư sử dụng đất từ ngân sách nhà nước. Dù vậy, kết quả giải ngân đầu tư từ vốn ngân sách lại thấp. Từ đó, ĐB cho rằng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn để khai thác, triển khai dự án hạ tầng.
Trả lời ý kiến của các ĐB, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nói nguyên do là số dự án chuyển qua thực hiện trong giai đoạn trung hạn nhiều. Có tới 3.300 dự án từ giai đoạn trước được chuyển tiếp, những khó khăn của số dự án này từ giai đoạn trước cũng ảnh hưởng đến giai đoạn này. Cùng đó, tỉ lệ dự án có phần vốn bồi thường, công tác bồi thường chiếm tỉ lệ cao trong kế hoạch vốn năm 2022.
Cụ thể, kế hoạch vốn cho các dự án có công tác bồi thường năm 2022 được bố trí 13.700 tỉ đồng, chiếm hơn 40% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Những dự án này đã vướng từ nhiều năm trước, đến năm 2021 cũng không làm được công tác kiểm đếm nên kéo dài đến đầu năm 2022.
Bà Mai cho biết một dự án bồi thường thì mất 6-12 tháng để thực hiện thủ tục. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến vấn đề giải ngân. Bên cạnh đó còn có các vướng mắc khác liên quan đến quy định.
Nhận định được những khó khăn chính làm ảnh hưởng tỉ lệ giải ngân của năm 2022, Sở KH&ĐT đã cùng các sở, ngành khác đưa ra những giải pháp cụ thể để tăng tỉ lệ giải ngân như lập tổ công tác thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án làm ảnh hưởng lớn để tỉ lệ giải ngân; giám sát các dự án ODA giải ngân chậm. Với tinh thần đó, năm 2023 theo bà Mai sẽ có những chuyển biến tích cực trong việc điều hòa vốn, cân đối, bố trí vốn cho các dự án.
Theo dự kiến chương trình, hôm nay (8-12), HĐND TP sẽ chất vấn chủ tịch UBND TP, Sở Công Thương, chủ tịch UBND quận 6 về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm lớn về tài chính, thương mại
Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhìn nhận từ đầu năm đến nay, ngoài những điểm sáng đạt được, TP.HCM cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. “Tình hình tăng trưởng kinh tế của TP có xu hướng chậm lại” - ông Trần Thanh Mẫn đánh giá.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.HCM cần nắm chắc, kịp thời thể chế hóa, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. “TP cần có những giải pháp đột phá, tích cực về những nội dung mà Bộ Chính trị đã cho ý kiến. Tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP, nếu kịp có thể trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất” - ông Mẫn nhấn mạnh.
Để tháo gỡ các khó khăn về kinh tế, TP cần thường xuyên theo dõi, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của từng đơn vị cấp huyện, xã để tháo gỡ kịp thời, nhất là những vấn đề cấp bách. “TP cần tập trung cao độ phát triển, sản xuất, kinh doanh, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, quản lý thu chi ngân sách nhà nước” - ông Mẫn nói và đề nghị TP kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỉ lệ giải ngân cao.
Về trách nhiệm công vụ, TP tiếp tục nêu cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là của người đứng đầu. Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi khi có vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; đồng thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt niềm tin TP.HCM sẽ sớm trở thành trung tâm lớn về tài chính, thương mại, đi trước, về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 phát triển ngang tầm các TP trong khu vực châu Á.
TP.HCM dự kiến chi hơn 9.600 tỉ đồng để cải tạo rạch Xuyên Tâm
Tại kỳ họp thứ tám HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP 28 tờ trình với nhiều nội dung quan trọng.
Đáng chú ý, UBND TP đã trình HĐND TP xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật). Dự án này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP làm chủ đầu tư với tổng vốn thực hiện dự kiến trên 9.600 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, TP sẽ bố trí 6.649 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Giai đoạn 2026-2028, TP sẽ bố trí 3.015 tỉ đồng để tổ chức thi công, quyết toán dự án. Theo dự kiến, quận Gò Vấp sẽ giao mặt bằng triển khai thi công vào tháng 8-2024, còn quận Bình Thạnh sẽ giao mặt bằng vào tháng 4- 2025.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trình bày các tờ trình của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ tám HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: NGUYỆT NHI |
UBND TP.HCM cũng trình HĐND TP nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM dự kiến có điểm đầu bắt đầu từ vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Đây là công trình được đánh giá rất quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải cho Quốc lộ 22.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo BOT; Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn từ ngân sách của TP.HCM và Tây Ninh. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP.HCM tham gia để bồi thường, giải phóng mặt bằng ở địa bàn TP.HCM là 5.901 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn là 18 năm một tháng.
Để cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp đề xuất điều chỉnh vốn đã bố trí cho các dự án.
Trong tờ trình của UBND TP.HCM về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP đề nghị HĐND xem xét dừng 17 dự án. Lý do là các dự án này đều chậm tiến độ do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí có khả năng tiếp tục phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do tăng phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2023. Theo UBND TP, việc điều chỉnh này sẽ giúp TP tiết kiệm hơn 1.400 tỉ đồng ngân sách.
Trong 17 dự án, có 11 dự án nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, ba dự án ở huyện Hóc Môn, hai dự án ở quận Tân Phú, một dự án ở quận Bình Thạnh.
Hầu hết các dự án này mới được ghi vốn cho giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa được bố trí tiền. Chủ đầu tư chủ động đề xuất tạm ngưng và sẽ tiếp tục xin bố trí vốn giai đoạn sau hoặc khi tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng...
........................
UBND TP.HCM đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ
Liên quan đến chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP dự thảo nghị quyết quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến khi hết thí điểm theo Nghị quyết 54/2017.
Theo đó, để chăm lo tốt hơn cho đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, công chức, viên chức cũng như khả năng cân đối ngân sách của TP, UBND TP đã trình HĐND TP điều chỉnh hệ số tăng tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Trước đó, Quốc hội đã cho phép TP.HCM kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP đến hết ngày 31-12-2023. NHÓM PV