TPHCM: Ca mắc COVID-19 tăng, một số chùm ca bệnh ở tu viện, trường học

 Video: TPHCM: Ca mắc COVID-19 tăng, một số chùm ca bệnh ở tu viện, trường học

Theo ghi nhận của hệ thống giám sát dịch bệnh COVID-19, từ ngày 12 đến 18-2, số ca mắc mới tại TP được ghi nhận là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với 7 ngày trước (từ ngày 5 đến 11-2) đồng thời số ca nhập viện cũng có khuynh hướng gia tăng nhẹ.

Tuy nhiên, số bệnh nặng vẫn đang giảm và số ca tử vong vẫn đang ở mức thấp. Ngày 19-2, TP có 2 ca tử vong nhưng là bệnh nhân từ tỉnh thành khác chuyển đến để điều trị.

Số ca mắc COVID-19 tăng đã dự báo trước

Hiện tượng số ca mắc mới tăng ở cả 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã được dự báo trước khi TP khôi phục trở lại các hoạt động lao động sản xuất, học tập cũng như các sinh hoạt xã hội. Bên cạnh đó, TP cũng đã phát hiện những ca bệnh mang biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Theo nghiên cứu trên thế giới, sự lưu hành đồng thời cả hai biến chủng Delta và Omicron sẽ làm cho số ca mắc mới tăng nhanh chóng, và theo đó là số ca nhập viện và bệnh nặng cũng có thể gia tăng.

Những biện pháp dự phòng không dùng thuốc như 5K (khẩu trang – rửa tay, khử khuẩn – giữ khoảng cách – không tụ tập và khai báo y tế) và tiêm chủng (bao gồm cả tiêm nhắc lại) vẫn là những biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch. Do đó, người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo 5K. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi đến lượt.

Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học:

(1) hướng dẫn các cơ sở giáo dục vệ sinh khử khuẩn các lớp học, điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 để phát hiện sớm F0, hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch COVID-19;

(2) lấy mẫu ngẫu nhiên nhóm ca bệnh để giải trình tự gen;

(3) xét nghiệm cho toàn bộ F1, theo dõi sức khỏe theo quy định;

(4) thông báo đến các trường có học sinh ở tại một tu viện tại quận Gò Vấp (đây là một ổ dịch mới phát hiện) theo học để được điều tra dịch tễ, xét nghiệm các trường hợp F1.

Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của các quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao để đề nghị các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng và bảo vệ người thuốc nhóm nguy cơ.

Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở TP.HCM đã được dự báo trước. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Phát hiện chùm ca bệnh ở xã đảo Thạnh An

Liên quan đến tình hình dịch trên địa bàn, ngày 18-2, đội đặc nhiệm Kiểm dịch của HCDC đã tổ chức giám sát công tác phòng chống dịch trong trường học tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sau khi phát hiện chùm ca bệnh trên địa bàn xã đảo này từ ngày 14-2.

Qua giám sát, xã đảo Thạnh An đã phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học. Ca bệnh này là một học sinh mầm non có triệu chứng sốt nhẹ trong giờ học, nên đã được thực hiện test nhanh và cho kết quả dương tính. Từ ca mắc này, trường học và ngành y tế xã đảo đã triển khai điều tra, truy vết các tiếp xúc gần F1 và tiến hành xử lý dịch trong trường học theo hướng dẫn của ngành y tế.

Sau khi vệ sinh khử khuẩn các lớp học, học sinh vẫn đi học bình thường, được theo dõi chặt tình hình sức khỏe và thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 14. Các F1 đã tiêm đủ 2 mũi được tiếp tục đi học, các trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Riêng lớp mầm non ghi nhận ca bệnh, toàn bộ học sinh được nghỉ học và thực hiện cách ly theo quy định.

Từ ca bệnh chỉ điểm, ngành y tế xã đảo phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm tại các hộ gia đình khi tiến hành điều tra dịch tễ. Do đó, song song với việc xử lý dịch trong trường học, xã đảo Thạnh An cũng thực hiện xử lý dịch tại hộ gia đình.

Tại buổi làm việc, HCDC đề nghị xã đảo Thạnh An tiếp tục theo dõi, xử lý chùm ca bệnh này vừa ở trường học vừa ở hộ gia đình; khẩn trương đánh giá lại các ổ dịch hộ gia đình để có hướng xử lý phù hợp. Trong trường hợp số ca mắc tiếp tục tăng thì sẵn sàng thành lập trạm y tế lưu động để chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Bên cạnh đó, để giám sát biến chủng mới Omicron, trạm y tế xã đảo Thạnh An cũng sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các ca mắc mới để chuyển phòng xét nghiệm làm giải trình tự gen.

 Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành triển khai các hoạt động để kiểm soát dịch bệnh như phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giám sát dịch không để lây lan, tập huấn phát hiện sớm và xử trí ban đầu đối với các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19.

Phối hợp với UBND quận, huyện và Ban quản lý ký túc xá các trường đại học kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các ký túc xá; xem xét đề xuất thành lập khu cách ly y tế cho sinh viên là F0, F1.

Phối hợp Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất triển khai hoạt động phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, hạn chế sự gián đoạn hoạt động sản xuất tại thành phố.Chỉ đạo HCDC triển khai kế hoạch giám sát sự lưu hành các biến chủng mới để chủ động có kế hoạch ứng phó.

Duy trì thường xuyên hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm đảm bảo tại mỗi phường xã đạt trên 75% dân số mỗi phường xã được tiêm đủ mũi theo quy định của Bộ Y tế và trên 90% người nguy cơ được tiêm chủng đủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm