TP.HCM: Cả năm chỉ 1 hồ sơ xin chuyển nhượng dự án

(PLO)- Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án, tổng số hơn 12.000 căn nhà với tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-1, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đảng, chính quyền và phong trào thi đua yêu nước năm 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Xây dựng tập trung giải quyết các điểm nghẽn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có cách làm linh hoạt, sáng tạo phục vụ phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Ảnh VH

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Xây dựng tập trung giải quyết các điểm nghẽn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có cách làm linh hoạt, sáng tạo phục vụ phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Ảnh VH

Liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo, luỹ kế từ đầu năm 2022 đến nay, Sở này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án. Tổng số là hơn 12.000 căn nhà với tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2.

Trong đó, căn hộ chung cư là 10.632 căn, nhà thấp tầng hơn 1.500 căn với tổng giá trị huy động vốn là hơn 252 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo với 9.510 căn (78,3%), phân khúc trung cấp chỉ 2.637 căn (21,7%).

Số liệu của Sở Xây dựng cho thấy, dù so với năm 2021, phân khúc căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) năm 2022 có giảm từ 10.245 xuống còn 9.510 căn nhưng xét về tỷ lệ chung trong tổng thể nhà ở thì tỷ lệ này vẫn cao (năm 2021 là gần 74%).

Phân khúc căn hộ trung cấp (giá bán từ 20-40 triệu đồng) cũng giảm gần 27% so với năm ngoái (từ hơn 3.600 căn xuống còn 2.637 căn). Riêng căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) thì hoàn toàn “biến mất” trong mấy năm qua.

Một thông tin khác đáng chú ý liên quan đến tình hình chuyển nhượng dự án, luỹ kế từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP chỉ có duy nhất một hồ sơ xin chuyển nhượng dự án. “Sở Xây dựng đã trình UBND TP về việc chuyển nhượng”- Sở Xây dựng cho biết.

Ông Lê Trần Kiên đánh giá, năm 2022 thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt lãi suất cho vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong triển khai dự án.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, trong năm qua, việc tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản còn chậm, chưa kịp thời giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. “Trong năm 2023, Sở Xây dựng cần tập trung tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản”- ông Cường chỉ đạo.

Đánh giá về công tác năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong năm qua của Sở Xây dựng. Trong đó, điểm nổi bật là kiểm soát được tình trạng xây dựng sai phép, không phép và dẫn chứng rõ nhất là tại huyện Bình Chánh. Vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh đã giảm 72% so với năm 2021.

Ông Cường cũng nhấn mạnh một số đề án, chương trình được ban hành nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, dự án nhà ở xã hội khởi công khí thế nhưng kết quả năm 2022 lại không tốt vì vướng rất nhiều. Ngoài ra, các dự án cải tạo chung cư cũ cấp D, nhà ở xã hội, di dời nhà ven kênh rạch kết quả khiêm tốn. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, Sở Xây dựng cần nhìn nhận và đánh giá lại những hạn chế để đeo bám, giải quyết dứt điểm.

Về nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để cho kết quả tốt. Đồng thời, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có cách làm linh hoạt, sáng tạo phục vụ phát triển nhà ở, thị trường bất động sản…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm