1. Bốn công ty bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm
Bốn công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trong phiên ngày 10-12-2021 đã lần lượt thông báo bỏ cọc trong năm 2022 với lý do không đủ năng lực tài chính, xin chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá các lô đất.
Số tiền cọc bốn công ty trúng đấu giá “mất” tổng cộng hơn 1.051 tỉ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Sheen Mega tiền đặt cọc hơn 203,75 tỉ đồng; Công ty cổ phần Dream Republic mất cọc 115,6 tỉ đồng; Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt mất cọc hơn 588 tỉ đồng và Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh mất cọc hơn 145 tỉ đồng.
Trong thời gian tới có tổ chức đấu giá lại các lô đất này hay không tùy thuộc vào quyết định của UBND TP.HCM.
2. Sốt đất đầu năm 2022 lan rộng nhiều tỉnh thành
Từ ngay sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tình trạng sốt đất lại tiếp diễn tại nhiều tỉnh, thành phố như Bảo Lâm, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Lắk, Đắk Nông, Cam Lâm (Khánh Hòa), thậm chí tại miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình… Mặc dù trước đó, nhiều địa phương đã ra văn bản cảnh báo, ngưng tách thửa nhưng hiện tượng sốt đất vẫn diễn ra.
Sốt đất ở Bảo Lộc thu hút nhiều nhà đầu tư khắp nơi đổ về. |
Lợi dụng thông tin tại địa phương có quy hoạch, xây dựng dự án mới... nhiều môi giới, đầu cơ đã đẩy giá đất khu vực đó lên gấp 3-4 lần so với năm trước. Đồng thời cũng đã xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao dịch đất nền trái phép, vi phạm trật tự xây dựng.
Đến nửa cuối năm thì các cơn sốt chấm dứt, thị trường ở những nơi này rơi vào trầm lắng, nhà đầu tư rao bán không ai mua.
3. Siết khai thuế chuyển nhượng bất động sản
Từ đầu năm 2022, TP.HCM cũng như nhiều địa phương như Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Hàng chục ngàn hồ sơ đóng thuế sang nhượng bất động sản bị cơ quan thuế trả lại, đề nghị kê khai giá chuyển nhượng theo đúng giá thị trường.
Hồ sơ mua bán nhà đất bị trả lại để khai cho sát với giá thị trường khiến người dân bức xúc. Căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định giá chuyển nhượng bất động sản theo thị trường đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế và cả người dân.
Vì thế, đến tháng 6-2022, Tổng cục Thuế cho biết đã có Công điện yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định.
Căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định giá chuyển nhượng bất động sản theo thị trường đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế và cả người dân. |
4. Nóng trái phiếu, tập đoàn bất động sản sai phạm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau một thời gian tăng trưởng nóng đến tháng 4-2022 rơi vào trầm lắng khi Chính phủ thắt chặt quản lý.
Đến tháng 9-2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.
Trong năm 2022, thị trường trái phiếu biến động, tâm lý nhà đầu tư có nhiều xáo trộn khi một số lãnh đạo các tập đoàn bất động sản bị bắt, điều tra về sai phạm trong phát hành trái phiếu như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
5. Cạn room tín dụng, Chính phủ lập Tổ công tác hỗ trợ bất động sản
NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Hệ quả hầu hết hồ sơ tín dụng vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đều bị dừng xét duyệt, cùng với việc cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt hơn việc huy động trái phiếu, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn để phát triển dự án.
Ngoài nguồn vốn, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn do vướng mắc thủ tục pháp lý, quy định pháp luật chồng chéo, và thanh khoản thị trường sụt giảm. Vì thế, trong tháng 11-2022, Thủ tướng lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong thực hiện các dự án bất động sản.