TP.HCM: Cán bộ bị dồn việc khi giảm gần 2.300 người

Sáng 9-7, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình HĐND TP về quy định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở phường/xã, thị trấn.

Giảm 2.299 người không chuyên trách

Theo ông Lê Thanh Liêm, tới đây TP sẽ giảm 2.299 người hoạt động không chuyên trách ở phường/xã, thị trấn (từ 6.787 người xuống 4.368 người). Việc này là thực hiện theo Nghị định 34 của Chính phủ. Theo đó, những đơn vị hành chính phường/xã, thị trấn loại 1 sẽ giảm từ 22 xuống còn 14 người. Còn đơn vị loại 2 giảm từ 20 xuống còn 12 người và đơn vị loại 3 giảm từ 19 xuống 10 người.

Với 2.299 người hoạt động không chuyên trách phải nghỉ việc, UBND TP đề nghị được hỗ trợ thêm mỗi năm công tác với mức trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn. Sở Nội vụ dự kiến mức kinh phí chi trả chế độ cho số người trên là 120 tỉ đồng (tính theo bình quân số năm công tác là 10 năm/người).

Tại UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM), cán bộ không chuyên trách mảng tư pháp - hộ tịch có khối lượng công việc rất lớn. Ảnh: LÊ THOA

Giảm người, cán bộ còn lại khó làm việc

Trước vấn đề trên, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Đặng Hà Tuyên (quận Bình Tân) cho rằng TP.HCM là đô thị lớn, có nhu cầu rất lớn về bộ máy chính quyền để giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội. Riêng quận Bình Tân, hiện nay đã có gần 800.000 nhân khẩu, trong đó phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126.000 dân.

Theo bà Tuyên, với số dân đó thì phường Bình Hưng Hòa A cần có 65 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách để đảm đương, cho thấy áp lực với mỗi cán bộ là rất lớn. Nếu theo Nghị định 34 thì số cán bộ của phường phải giảm gần phân nửa, xuống còn 37 người. “Nếu được HĐND TP thông qua tờ trình của UBND TP thì chỉ còn gần một tháng nữa sẽ áp dụng, như vậy là rất áp lực. Chúng ta phải giải quyết việc làm đối với số lượng cán bộ dôi dư. Trong khi đó với số cán bộ còn lại thì khó đảm đương công việc” - bà Tuyên nói.

Từ đó, bà Tuyên đề nghị UBND TP xem xét, nên có chỉ đạo, giao cho UBND quận/huyện xây dựng lộ trình thực hiện. Vì nếu giảm đột ngột sẽ gây khó cho địa phương. Đồng thời, phải cho địa phương chủ động, có thời gian bố trí sắp xếp cho phù hợp thực tế mỗi quận/huyện. Được biết, bà Tuyên đang công tác tại UBND phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) với hơn 75.000 dân, dự kiến phường này sẽ giảm 22/53 cán bộ.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung (quận 7) cho rằng với nhu cầu giải quyết hồ sơ ngày càng tăng, cán bộ không chuyên trách tham gia làm việc rất nhiều, dù có thu nhập tăng thêm nhưng vẫn còn rất khó khăn và áp lực.

Bà Nhung dẫn chứng có một chức danh của cán bộ không chuyên trách ở địa phương là “cán bộ kinh doanh phụ trách lao động - thương binh và xã hội”. Cán bộ phụ trách kinh doanh ở phường/xã sẽ quản lý, thống kê, giám sát, kiểm tra, cập nhật tình hình hoạt động, thành lập của tất cả doanh nghiệp trên địa bàn. Còn cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội thì cũng cực không kém. “Vì nếu địa phương nào mà có đông người có công, cán bộ hưu trí, dù trả tiền lương hưu qua công nghệ nhưng việc điều tra, nắm bắt tình hình vẫn còn rất cực” - bà Nhung nói.

Theo bà Nhung, với hơn 6.700 cán bộ không chuyên trách hiện nay mà giảm 2.299 người thì giải pháp nào cho những con người này. “Chúng ta có phương án giải quyết như thế nào, lộ trình ra sao, chứ không phải cứ bù đắp một khoản tiền nhất định cho họ mà làm đột ngột. Nếu vừa mất việc ngay sau dịch COVID-19 nữa thì rất khó khăn, chúng ta phải quan tâm” - bà Nhung nói.

Cần có hướng phát triển, hỗ trợ phù hợp

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá thời gian qua, sau dịch COVID-19, lãnh đạo TP đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mô hình mới, sáng tạo và hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Lệ cho rằng do ảnh hưởng của dịch, một số lĩnh vực, ngành nghề gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là ngành du lịch và người lao động trên lĩnh vực này đang chịu những tác động nghiêm trọng do lượng khách đến TP giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp do vốn sản xuất, kinh doanh hạn chế nên không chủ động nguồn nguyên liệu trước những biến động của thị trường... Thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhất là các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Từ đó, bà Lệ cho rằng cần xây dựng định hướng phát triển và những chính sách hỗ trợ phù hợp. 

Tháng 9, hoàn tất bồi thường cho dân Thủ Thiêm

Tại kỳ họp, ông Lê Thanh Liêm cho biết đã phê duyệt chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong phần diện tích 4,39 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An (quận 2).

Theo tiến độ, tháng 8-2020 sẽ hoàn tất việc xử lý hồ sơ, ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.

Tháng 9-2020 sẽ hoàn tất tổ chức bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới