TP.HCM: Cán bộ cơ sở dồn sức cho 'trận chiến quyết định'

Từ đầu mùa dịch, các cán bộ, công chức cơ sở TP.HCM luôn sát cánh chăm lo an sinh, y tế cho người dân. Khi TP bước vào đợt dịch cao điểm, thách thức cũng cứ thế tăng cấp khiến họ vắt kiệt sức để làm. Tuy nhiên, dịch có thể biến họ thành F0 chứ không thể khuất phục những chiến sĩ gần dân.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ LĐ-TB&XH phường Tân Tạo, quận Bình Tân, đưa thuốc và dặn dò F0 cố gắng điều trị bệnh. Ảnh: NL

Nửa đêm chở thai phụ đi sinh

Hồi giữa tháng 7, chị NNT (ngụ 242/16 Lê Đình Cẩn, khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) trở dạ sắp sinh. Nửa đêm, chồng đã đi cách ly, bên cạnh còn con nhỏ, nhà lại trong khu phong tỏa, chị NNT chới với. Sau vài phút định thần, chị gọi điện thoại cho cán bộ địa phương nhờ hỗ trợ. Ngay lập tức anh Nguyễn Ngọc Lâm, cán bộ LĐ-TB&XH phường Tân Tạo, chạy xe máy đến nhà chị NNT.

Anh Lâm vội chở mẹ con chị NNT đến BV quận Bình Tân (quận Bình Tân) rồi vội quay xe chở con của thai phụ này đến chỗ của cha. Hiện tại, cả nhà chị NNT đã đoàn viên, ai cũng khỏe mạnh. Họ thường gọi điện thoại cám ơn anh Lâm.

Câu chuyện của chị NNT chỉ là một trong vô số việc mà anh Lâm và các cán bộ, công chức phường Tân Tạo làm trong mùa dịch. Mỗi ngày anh Lâm cùng các đồng nghiệp chăm lo an sinh, y tế cho người dân trên địa bàn. Anh thường đi trao thuốc, cấp cứu, truy vết… F0, xịt khử khuẩn khu vực F0 tử vong, trao túi an sinh.

Anh Lâm ở lại cơ quan làm việc từ hồi tháng 7. Anh bảo bản thân cũng thèm cơm nhà, thèm hít hà mùi thơm của mấy đứa con. “Công việc, trách nhiệm thì mình phải cố gắng làm. Khi mình bệnh, người dân biết tin đã gửi thuốc, đồ xông, gọi điện thoại hỏi thăm. Bấy nhiêu cũng thấy công sức mình bỏ ra không uổng phí” - anh Lâm nói.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, cũng đã hơn hai tháng chưa về nhà. Chồng chị công tác trong ngành công an cũng vậy. Con cái đành gửi ông bà chăm sóc giúp.

“Chúng tôi làm việc bất kể giờ giấc, hễ người dân cần thì đêm khuya cũng chạy đến tận nơi. Chuông điện thoại reo liên tục. Có lúc nhiều người dân gọi điện thoại cùng thời điểm, nghe cuộc này thì sót cuộc kia...” - chị Nhung nói và cho hay do tính chất công việc nên dù các cán bộ, công chức có thực hiện đúng 5K thì khả năng phơi nhiễm COVID-19 cũng rất cao. Bởi vậy, họ chấp nhận là F1 của rất nhiều F0, còn nếu trở thành F0 thì cũng rất bình thường.

“Chúng tôi còn khỏe thì phải chăm lo cho những người không khỏe. Có trường hợp F0 mệt, chúng tôi nhận tin chạy đến liền nhưng đến nơi thì họ đã mất. Cảm giác đó khó chịu lắm, day dứt vô cùng, cho nên cứ phải luôn cố gắng dù biết là nguy hiểm” - chị Nhung nói.

Cán bộ, công chức quận 6 đang vận chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân
trên địa bàn. Ảnh: NL

Cán bộ, công chức cũng trở thành F0

Chị Trương Thị Bích Diệu (ngụ phường 10, quận 6) kể: “Xóm trọ của tôi nằm sâu trong một khu phong tỏa nên nhu yếu phẩm tiếp tế chỉ đến được các hộ ở phía ngoài. Tôi không biết làm sao thì được cho số điện thoại của chủ tịch UBND quận 6. Bữa đó chắc cũng đã 8 giờ tối, tôi gọi điện thoại cho chủ tịch quận. Thế rồi qua ngày sau, cả xóm nhận lương thực, thực phẩm đầy đủ”…

Việc nghe điện thoại giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân đối với bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6, đã quá đỗi bình thường. Chỉ trừ khi họp, bà Thảo mới không nghe điện thoại, còn bất kể giờ giấc, nửa đêm bà đều nghe máy.

Mỗi khi tiếp nhận cuộc gọi của người dân, bà Thảo thường yêu cầu họ để lại địa chỉ rồi chuyển về cho UBND phường kiểm tra và hỗ trợ kịp thời. Với những trường hợp F0 cần cấp cứu, bà còn chu đáo nhắc họ nói ít thôi vì đang mệt, chỉ cần nhắn địa chỉ sẽ có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Dịch kéo dài, nhiều bà con bức xúc nên gọi điện thoại cho bà Thảo để chê trách. Bà luôn lắng nghe và mong mọi người thông cảm. Từ đó, nhiều người hiểu ra, chấp nhận chia sẻ khó khăn chung của TP.

“Cán bộ, công chức ở các phường mới vất vả, cực khổ. Cán bộ, công chức thành F0 thì tự cách ly, uống thuốc. Thậm chí có phường phải sắp xếp nguyên một tầng trên cùng của UBND để cán bộ, công chức nhiễm bệnh cách ly…” - bà Thảo chia sẻ.

Cũng theo chủ tịch UBND quận 6, cán bộ của Ủy ban MTTQ quận khuân vác chuyên nghiệp không thua gì cửu vạn. Một ngày lực lượng này khuân vác hơn 10 tấn hàng hóa. Hiện tại, tất cả cán bộ đều đã nhiễm bệnh, chúng tôi phải tìm lực lượng khác thay thế.

“Cán bộ, công chức cấp phường là gần người dân nhất. Họ giống như những chiến sĩ ra chiến trường thực sự thì tất nhiên sẽ có bị thương, thậm chí hy sinh. Tuy nhiên, mọi người rất cố gắng, nhất là trong đợt cao điểm từ ngày 23-8 đến 15-9. Như Bí thư Thành ủy TP đã nói đây là “cuộc chiến quyết định”, phải kiểm soát được F0 cho nên mọi người rất quyết tâm” - bà Thảo chia sẻ.

Dù rất mệt nhưng cán bộ, công chức TP vẫn kiên trì

Cán bộ, công chức các cấp trên địa bàn TP rất nhiệt tình, trách nhiệm. Mặc dù đã phải làm việc trong một thời gian dài, cũng đã rất mệt nhưng họ vẫn kiên trì làm việc. Do vậy, chúng tôi rất mong người dân TP đồng tình, chia sẻ với lực lượng này để chúng ta đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch.

Ông PHẠM ĐỨC HẢI, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới