Trong đó có đối tượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) cần có thu nhập phù hợp với yêu cầu công việc và tương đồng với hoàn cảnh sống. TP rất cần cơ chế mở trong chính sách chi trả lương trong khu vực nhà nước. Việc chi trả lương theo năng suất và hiệu quả công việc sẽ góp phần khuyến khích CBCC, người lao động, đặc biệt là người trẻ cố gắng phấn đấu, tạo ra động lực để người tài cống hiến.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, công việc CBCC đảm nhận mang tính đặc thù, trách nhiệm cao. Thế nhưng mức lương trong khu vực hành chính sự nghiệp luôn thấp hơn những khu vực khác trong thị trường lao động.
Trước đó, nhiều ý kiến của các lãnh đạo TP cũng cho rằng nên đề xuất Chính phủ cho TP được quyền quy định về cơ chế riêng cũng như tăng mức lương gấp đôi cho CBCC hiện đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Bởi lẽ năng suất làm việc của mỗi CBCC của TP bình quân cao hơn rất nhiều so với cả nước, việc áp dụng mức lương theo quy định chung là chưa hợp lý. Nếu TP có cơ chế riêng thì sẽ thu hút được nhân tài.
TP.HCM có gần 30.000 CBCC. Như vậy, tính bình quân cứ một CBCC phải phục vụ 287 người dân thường trú trên địa bàn, trong khi con số này của cả nước là 187 người. Đó là chưa kể mỗi CBCC mỗi ngày còn phải phục vụ doanh nghiệp đến làm việc.
Bên lề kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đánh giá TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu của cả nước, do đó cần cơ chế đặc biệt để phát triển. Ông nói: “Hãy hình dung cái áo mặc cho TP chật rồi, giờ cần phải có thể chế phù hợp vượt trội”.
Việc TP đề xuất cũng như kiến nghị cần có cơ chế riêng để phát triển là một đề xuất hợp lý. Tuy nhiên, để việc tăng lương cho lực lượng này hiệu quả, TP cần có một cuộc cách mạng trong việc đánh giá cũng như sử dụng lực lượng hiện nay. Tăng lương cần gắn với hiệu quả công việc, trong đó cần thu gọn, tinh giản biên chế và kiên quyết loại bỏ những CBCC yếu kém, kèm theo những cam kết và những chế tài thật sự nghiêm khắc. Một khi phát hiện CBCC vi phạm, dù là những vi phạm nhỏ nhất thì cũng cần thiết phải xử lý nghiêm, công khai, kiên quyết loại bỏ những CBCC yếu kém, thiếu năng lực chuyên môn, tha hóa, biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước để hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Ngoài ra có thể bố trí, sử dụng và đào tạo một bộ phận CBCC kiêm nhiệm nhiều vị trí, làm tốt nhiều công việc như xu hướng của một số cơ quan công quyền trên thế giới đã và đang áp dụng nhằm tăng tính hiệu quả công việc và tiết kiệm chi phí, tiền lương chi trả cho bộ máy nhà nước.
Với 460/465 (gần 93,7%) biểu quyết tán thành, chiều 24-11, QH đã thông qua nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP.HCM báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định áp dụng trên địa bàn TP và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất một số cơ chế đặc thù. Các cơ chế này gồm thí điểm xây dựng, thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, mở rộng một số vấn đề HĐND TP.HCM được quyết định, các nguồn thu TP được hưởng… Một nội dung đáng chú ý là cơ chế ủy quyền và thu nhập của CBCC thuộc TP quản lý. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 và thực hiện trong năm năm. |