Sáng 7-9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT-TT cùng Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về thúc đẩy kinh tế số (KTS) TP.HCM phát triển bền vững.
Đến năm 2030, KTS đóng góp 40% vào GRDP
Phát biểu tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM nhấn mạnh, TP đang có một khát vọng lớn lấy lại vị thế hàng đầu với mức tăng trưởng từ 2 con số trở lên. Đây vừa là sự kỳ vọng nhưng cũng là áp lực lớn đối với TP. Theo ông Lâm Đình Thắng, mục tiêu đến năm 2030, KTS của TP.HCM chiếm 40% vào GRDP.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ KTS và Xã hội số, Bộ TT-TT cũng nhìn nhận, 30 năm qua TP.HCM đã phát triển rất tốt trong không gian cũ nhưng đã đến giới hạn và cần không gian phát triển mới và KTS sẽ mang lại không gian đó cho TP.
Dẫu vậy, mặc dù TP đang rất nỗ lực để phát triển KTS, TP hiện đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển KTS.
Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chưa nhiều.
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: THU HÀ |
Nhiều giải pháp thúc đẩy KTS TP.HCM
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Tuấn cho rằng, Nghị quyết 98 đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển KTS, việc cần làm tiếp theo là TP.HCM xây dựng chính sách về phát triển KTS theo từng giai đoạn phát triển.
TP.HCM muốn tăng trưởng nhanh và cao hơn thì cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Do đó, theo ông Tuấn, để đột phá thì TP.HCM cần chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển.
Ông Tuấn cho rằng, AI đã trải qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, bước vào giai đoạn ứng dụng. Ở giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần nhiều kỹ sư ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số. ẢNH: THU HÀ |
"Tuy nhiên, tôi cho rằng TP.HCM nếu đứng 1 mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu KTS chiếm 40% GDP mà phải liên kết vùng, hình thành không gian lực kéo, đưa TP.HCM thành trung tâm bưu chính/logistics của khu vực và cả nước" - ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng đề nghị TP.HCM nên triển khai chuyển đổi số 10 nhóm nền tảng số và triển khai thành công chuyển đổi một số khâu trong từng ngành, lĩnh vực; dùng các khâu này để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn lại trong các ngành công nghiệp.
TP.HCM cũng cần thí điểm đánh giá kinh tế số tới cấp TP và quận huyện trực thuộc; thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, HUB dữ liệu của khu vực và trung tâm tài chính quốc tế, tiến tới trở thành trung tâm chuyển đổi số vùng đầu tiên trên cả nước.
Trong khi đó, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trọng tâm để thúc đẩy KTS không nằm ở đo lường tỉ trọng hay quản lý, mà là cần mở cửa để các DN tiếp cận, phát triển, cần đưa KTS vào chương trình kích cầu của TP. TP cũng cần phát triển DN số, nhân lực số một cách chọn lọc, không đại trà và phát triển KTS ở các ngành.
“Hiện nay TP.HCM có "cây gậy" mới là Nghị quyết 98, cho phép chúng ta thử nghiệm các cơ chế - chính sách, mà đối với KTS, kinh tế xanh thì những thử nghiệm rất quan trọng. Do đó TP phải tận dụng nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho KTS”- ông Bình An nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, hoạt động đổi mới, sáng tạo mênh mông ý tưởng, vấn đề là thực hiện hóa trong cuộc sống ra sao. Chính vì thế, nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc biến các ý tưởng đổi mới, sáng tạo thành giải pháp, ứng dụng trong thực tế.