TP.HCM căng mình ngăn heo tai xanh

TP.HCM đang tăng cường lực lượng chốt chặn tại các khu vực cửa ngõ TP gồm: Trạm Kiểm dịch Thủ Đức (quận Thủ Đức), Trạm An Lạc (QL 1A, huyện Bình Chánh), Trạm Xuân Hiệp (QL 1K, quận Thủ Đức) và Trạm Hóc Môn (QL 22, huyện Hóc Môn) để ngăn nguồn heo lậu vào TP.

“Heo không số” tuồn về TP

Chiều tối 27-10, có mặt tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, một “điểm nóng” về kiểm soát heo từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung chuyển vào, người viết chứng kiến hàng chục bao tải chứa thịt “heo không số” (heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch và dấu kiểm soát giết mổ - PV) đã bốc mùi hôi thối đang nằm chờ tiêu hủy. Đây là tang vật của một vụ vận chuyển heo lậu từ Lâm Đồng về TP.HCM tiêu thụ do đoàn kiểm tra liên nghành của Trạm Kiểm dịch Thủ Đức phối hợp với Đội QLTT Thủ Đức và Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp bắt giữ. Hiện trạm này phải thường xuyên bố trí một đội cơ động 3-4 người túc trực ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trạm Kiểm dịch Thủ Đức, hầu như ngày nào lực lượng kiểm tra liên nghành cũng phát hiện và bắt giữ một số lượng lớn thịt heo lậu. “Các sản phẩm thịt heo “hết đát” chủ yếu từ các tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… được vận chuyển bằng xe khách, xe tải vào TP.HCM tiêu thụ. Nguy hiểm nhất là nguồn heo bệnh từ Quảng Nam đưa vào, bởi đây là địa phương đang xảy ra dịch heo tai xanh. “Mấy ngày trước, chúng tôi phát hiện xe khách 92C-007.77 vận chuyển hai thùng xốp chứa heo con không có giấy kiểm dịch từ Quảng Nam vào TP.HCM tiêu thụ. Số heo này có trọng lượng gần 200 kg, đã được giết mổ và tẩm hóa chất, có dấu hiệu phân hủy” - ông Hùng cho biết.

TP.HCM căng mình ngăn heo tai xanh ảnh 1

Hơn 370 kg thịt “heo không số” bị đoàn kiểm tra liên ngành bắt giữ vào rạng sáng 27-10. Ảnh: T.TÀI

Tại cửa ngõ phía bắc TP.HCM, chỉ một số ít xe vận chuyển heo ra vào Trạm Kiểm dịch Hóc Môn (ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn) xin giấy phúc kiểm trước khi vào TP. Theo ông Đinh Văn Liêm, trực ban Trạm Hóc Môn, sau khi hai tỉnh Long An và Tây Ninh công bố dịch tai xanh thì cơ quan thú y đã ngừng cấp phép cho heo từ hai vùng trên về TP.HCM. “Hiện chúng tôi chỉ cấp giấy phép cho heo có giấy kiểm dịch ở khu vực Củ Chi và Bình Dương về các lò mổ ở TP.HCM” - ông Liêm cho biết. Tại khu vực cửa ngõ phía tây, Trạm An Lạc (Bình Chánh) phải lập nhiều chốt chặn heo lậu từ các vùng xảy ra dịch heo tai xanh là Long An, Tiền Giang và Sóc Trăng vào TP.HCM.

Điện thoại dọa đánh và… ném heo thối

Bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết hầu hết các lô hàng thịt lậu được giấu lẫn trong các khoang hành lý xe tải hoặc xe khách, nước dịch chảy lênh láng. Thịt còn được ướp nhiều loại hóa chất nguy hại để bảo quản.

Đã xảy ra nhiều vụ hành hung, đe dọa khi lực lượng kiểm tra tổ chức bắt giữ các lô hàng heo lậu. “Mới đây, nghi ngờ một xe khách vận chuyển thịt heo bẩn từ Đà Nẵng vào TP.HCM nên chúng tôi yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Tuy nhiên, chủ hàng không chấp hành mệnh lệnh của Đội CSGT Rạch Chiếc mà phóng xe bỏ chạy. Khi CSGT ép xe khách vào lề đường thì các đối tượng này dùng các tảng thịt heo đã bốc mùi ném vào đoàn” - một cán bộ Đội QLTT Thủ Đức kể.

Trước đó, ngày 20-10, khi lực lượng chức năng bắt giữ hơn 90 kg thịt “heo không số” trên xe khách 43H-3156 thì chủ lô hàng này đã gọi điện thoại hăm dọa cán bộ thú y Trạm Thủ Đức. “Họ nói sẽ dàn cảnh tông xe cán bộ thú y nếu tiêu hủy số hàng nói trên. Đối tượng này cũng nhiều lần nhắn tin cảnh báo sẽ thuê giang hồ truy sát nếu không sớm trả lại hàng” - ông Nguyễn Văn Hùng kể lại.

Bên cạnh việc sử dụng xe khách, xe tải, các đối tượng mua bán heo lậu thường xé nhỏ các lô hàng rồi chở bằng xe máy theo các trục đường nhánh từ Đồng Nai, Bình Dương… vào TP.HCM tiêu thụ. Nhiều thương lái vẫn tiếp tục thu mua heo lậu từ các vùng dịch ở huyện Trảng Bàng, Gò Dầu (Tây Ninh) với giá rẻ về tập kết tại các điểm giết mổ chui ở Bình Dương rồi chất lên xe máy chuyển vào TP.HCM.

Một thủ đoạn khác mà giới vận chuyển heo lậu thường sử dụng là thay đổi niêm chì ở các xe vận chuyển heo sau khi được kiểm dịch. “Sau khi qua khâu kiểm dịch, cơ quan thú y sẽ gắn niêm chì nhằm ngăn chặn tình trạng đánh tráo hàng. Nhưng có nhiều loại niêm chì rất dễ dàng bị tháo ra. Các đối tượng buôn bán heo lậu sẽ lợi dụng việc này để đánh tráo hàng chưa qua kiểm dịch” - đại diện Trạm Kiểm dịch Thủ Đức cho biết. Trạm cũng đã có văn bản gửi Chi cục Thú y TP.HCM phản ánh về tình trạng này.

Nguy cơ lây lan dịch

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện TP có hơn 47.200 con heo được nuôi rải rác tại các quận, huyện như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn… là vùng giáp ranh hai tỉnh đang xảy ra dịch heo tai xanh là Tây Ninh và Long An. Khu vực này cũng tập trung khá lớn các lò giết mổ chui nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Sở NN&PTNT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép gia súc, gia cầm ra vào TP. Tuy nhiên, mới đây, Đoàn Kiểm tra phòng, chống dịch gia súc, gia cầm quận Bình Tân (TP.HCM) đã kiểm tra một cơ sở giết mổ gia súc trái phép ở phường Bình Hưng Hòa. Kết quả xét nghiệm các mẫu thịt heo đều cho phản ứng dương tính với virus PRRS chủng độc lực cao, chứng tỏ số heo này đã mắc bệnh tai xanh.

Từ đầu tháng 10-2011 đến nay, trạm này đã phát hiện hơn 30 vụ vận chuyển heo lậu, trong đó có năm vụ tuồn heo bệnh, heo “hết đát” từ Quảng Nam vào TP.HCM với số lượng lớn.

(Thống kê của Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức)

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm