Tại TP.HCM, không riêng gì dịch sốt xuất huyết (SXH) đang tăng với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, các dịch bệnh khác như viêm não siêu vi, viêm não Nhật Bản, tay-chân-miệng (TCM) cũng đang ùn ùn tăng cao khiến công tác đối phó dịch ngày càng phức tạp.
Chữa hết SXH thì mắc bệnh khác
Nhập viện tại khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đến sáng 7-8 đã tròn một tháng, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Lan (ngụ Châu Thành, Tiền Giang) vẫn chưa biết ngày nào bác sĩ mới cho xuất viện về nhà. Chị Lan kể đầu tháng 7 vừa rồi, con trai chị là bé Nguyễn Thái Sơn bắt đầu lên cơn sốt dữ, sau khi chuyển nhiều BV, bé Sơn được đưa vào BV Nhi đồng 2 với chẩn đoán SXH.
“Do rơi vào sốc SXH da sung huyết, nhức đầu, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da… nên con tôi phải nằm điều trị khá lâu. Lúc mới vào viện bệnh nhân ở đây đông dữ lắm nhưng con tôi bị nặng nên có giường có máy móc đầy đủ. Đến đầu tuần trước bé đỡ hơn thì phải nhường chỗ, nằm ghép với các bạn. Thấy chật chội nên tôi đưa con ra hành lang nằm, đến lúc bác sĩ gần cho về thì ai ngờ lại dính thêm bệnh TCM. Giờ đang nằm đây điều trị bệnh khác, không biết đến khi nào mới được về” - chị Lan nói.
Thực tế, tại các khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, TP.HCM các dịch bệnh vẫn đang tăng lên không ngừng, thậm chí tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 có hơn 60 trẻ mắc SXH đang nằm điều trị, trong khi ngày cao điểm trước đó lên đến 80 trẻ và con số này đang cao gần gấp đôi so với tháng trước thì tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM số liệu từ đầu năm đến nay cho thấy đang có hơn 90 bệnh nhi mắc SXH nằm điều trị tại BV mỗi ngày. Số ca mắc SXH trong tháng 7 và đầu tháng 8 đến BV tăng 126% so với tháng 6. Đáng chú ý là năm nay số bệnh nhi mắc SXH đến BVdiễn biến rất phức tạp, có rất nhiều trẻ mắc SXH nặng, rơi vào trạng thái nguy kịch rất cần được theo dõi.
Còn theo số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đến ngày đầu tháng 8, TP có hơn 11.195 ca SXH nhập viện. Số ca mắc bệnh SXH trong tháng 7 đã tăng 46% so với số ca mắc bệnh SXH nhập viện trong tháng 6.
Trẻ điều trị viêm não tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Chuyển bệnh sang khoa khác để giảm tải
Không dừng lại ở bệnh nhân mắc SXH leo thang quá tải, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, TP.HCM, các bệnh nhân viêm não do virus siêu vi, viêm não Nhật Bản đã vào mùa trước đó và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng bệnh nhi nằm tại khoa Nhiễm phải chuyển sang các khoa khác nằm nhờ để tránh quá tải.
Tại quận 12, TP.HCM gia đình anh NVN (36 tuổi) cho biết con gái anh sau khi đi học ở trường về cách đây một tuần cũng xuất hiện dấu hiệu TCM. Đưa con vào BV kiểm tra thì đúng như dự đoán, đến khi gọi điện thoại đến trường mới biết ở lớp cũng có sáu bạn mắc TCM.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 71.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 60.000 người nhập viện, 19 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp nhập viện tăng 24,8%. |
Nằm chung khu xóm nhà anh N., gia đình nhà chị LTHT cũng mệt mỏi khi con cháu rủ nhau mắc TCM. “Nhà cả con lẫn cháu có sáu đứa, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất năm tuổi. Thời gian vừa rồi nghỉ hè nên chúng tôi cho các cháu qua lại chơi với nhau. Không biết bệnh từ đứa nào mà tụi nó đồng khởi vô BV nằm, bác sĩ nói bị TCM. Riêng nhà tôi thành cái ổ dịch, vào BV nằm mới thấy ngán, chỗ nào cũng người ngợp luôn” - chị T. nói.
Ngao ngán hơn là bệnh viêm đường hô hấp. Theo các bác sĩ BV Nhi đồng, mặc dù đây là mùa mưa, không phải thời điểm vào mùa của bệnh này nhưng mấy ngày qua trẻ bị viêm đường hô hấp nhập viện không ngừng tăng. Thực tế này đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị tại các BV.
“Ngoài quá tải khiến công tác điều trị không đảm bảo thì việc lây chéo tại các BV cũng sẽ gây khó khăn lớn đến tình hình sức khỏe bệnh nhân cũng như khả năng chăm sóc từ bộ phận bác sĩ, điều dưỡng” - BS Trương Hữu Khanh đánh giá.
Trước tình hình dịch gia tăng nhanh chóng như trên, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã tăng cường các phương án nhằm khống chế tình hình dịch. Trong đó đặc biệt chỉ đạo 24 trung tâm y tế thực hiện giám sát hỗ trợ trạm y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH như: Cập nhật điểm nguy cơ và phân loại điểm nguy cơ, vùng nguy cơ để thuận lợi trong công tác giám sát; cách tiến hành xử lý ổ dịch đúng và kịp thời; kiểm soát điểm nguy cơ đúng phương pháp: Xác định - truyền thông cách diệt lăng quăng, giám sát - kiểm tra - xử phạt nếu không chấp hành. Ngoài ra, hoàn thành đề án cộng tác viên trình UBND TP; ra quân diệt lăng quăng đến Tết Nguyên đán; rà soát lại các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; trang bị mới, mua sắm máy phun mù nhiệt (diệt muỗi, côn trùng). |