TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine cho 900.000 trẻ 5-11 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Video: TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine cho 900.000 trẻ 5-11 tuổi

Chiều 28-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Học sinh tiểu học ở quận Gò Vấp, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trẻ đi học sẽ tiêm vaccine tại trường

Thông tin về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP đã chuẩn bị xong các bước để tiêm vaccine cho trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi, như tập huấn về khám sàng lọc, tiêm chủng, nhập liệu... “Chiến dịch tiêm chủng sẽ triển khai khi được phân bổ vaccine và thực hiện theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương” - ông Tâm nói.

Hiện TP.HCM đã lập xong danh sách với khoảng 900.000 trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi (trong đó có khoảng 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học) để tiêm vaccine cho các em.

Theo kế hoạch, trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường, riêng trẻ năm tuổi được tiêm ở trường mầm non nếu trường đủ điều kiện tổ chức tiêm, còn trẻ không đi học sẽ tiêm ở trạm y tế hoặc điểm tiêm do UBND phường, xã sắp xếp. Khi tiêm chủng, cha mẹ hoặc người giám hộ cho trẻ phải ký giấy đồng ý tiêm cho trẻ.

Ngoài điểm tiêm ở các trường học, TP sẽ có các điểm tiêm lưu động. Khi tiêm chủng, cha mẹ hoặc người giám hộ cho trẻ phải ký giấy đồng ý tiêm cho trẻ.

Trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng này, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tiến hành cho các trường lấy ý kiến từ các phụ huynh. Qua khảo sát, ở khối mầm non có khoảng 60,4% phụ huynh đồng thuận tiêm chủng. Số liệu này ở khối tiểu học và THCS (lớp 6) lần lượt là 81% và 87,6%.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, trước đó HCDC đã tổ chức các lớp tập huấn dành cho các đội tiêm, Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, ôn tập những kiến thức đã có, cung cấp và cập nhật nội dung mới cho học viên nhằm chuẩn bị trước cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở trẻ 5-11 tuổi một cách an toàn nhất.

Cụ thể, các học viên được hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine; cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng; quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở trường học hôm 25-3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, đã yêu cầu các trường phải đẩy nhanh tiến độ nhập liệu, trong đó có việc hoàn tất cập nhật mã định danh cho học sinh, không để xảy ra tình trạng học sinh không được tiêm vaccine do không có đủ hồ sơ nhập liệu gây ảnh hưởng quyền lợi của các em.

Thông tin mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi được Bộ Y tế chia sẻ vào chiều 28-3: Ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vaccine hoàn tất, sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ hai của tháng 4-2022.

Dự kiến trong ngày 30 hoặc 31-3, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai tập huấn trước khi tiến hành tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi 5-11. 

Trẻ từng mắc có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19?

Trả lời thắc mắc của không ít phụ huynh về việc trẻ từng là F0 có nên tiêm vaccine COVID-19 hay không, BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới kiêm Trưởng Khoa nội BV Nhi Trung ương, cho biết các bé khi được tiêm vaccine hay đã mắc COVID-19 đều tạo được kháng thể để phòng bệnh. Đối với COVID-19, kháng thể phòng bệnh sẽ giảm theo thời gian. Các chủng virus xuất hiện ở các thời điểm khác nhau nhưng khả năng bảo vệ chéo ở các chủng virus lại chưa rõ ràng.

Vì thế, dù đã mắc COVID-19, trẻ vẫn cần tiêm vaccine hoặc đã tiêm rồi thì nên tiêm nhắc lại. Các bé có sức khỏe bình thường, khoảng thời gian phù hợp để các bé có thể tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh theo khuyến cáo của các chuyên gia là khoảng 3-5 tuần.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo các khuyến cáo hiện nay, người đã mắc COVID-19 vẫn nên đi tiêm vaccine COVID-19 vì kháng thể sau khi mắc chỉ tồn tại khoảng 3-6 tháng. Do đó, sau khi mắc COVID-19 khoảng ba tháng, người dân có thể tiếp tục bổ sung các mũi vaccine COVID-19 để chống lại bệnh tật. Người mắc COVID-19 có kháng thể 3-6 tháng nên sau khoảng thời gian ba tháng mắc COVID-19, người dân vẫn có thể tái nhiễm COVID-19, đặc biệt ở những người có sức đề kháng kém, không tạo được miễn dịch.

Tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở thể nhẹ cao hơn ở người lớn. Tuy nhiên, trẻ có bệnh nền, có bệnh tiềm tàng trong cơ thể, trẻ béo phì vẫn gặp nguy hiểm nếu mắc COVID-19, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu.•

 

Bộ Y tế thúc các địa phương lập danh sách tiêm cho trẻ

Bộ Y tế vừa có Văn bản 1535 yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/TP phối hợp với Sở GD&ĐT địa phương rà soát, lập danh sách trẻ 5-11 tuổi trên địa bàn, chuẩn bị công tác tiêm chủng, triển khai tiêm chủng ngay khi được phân bổ vaccine.

Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vaccine cho các tỉnh, TP trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật theo địa bàn phân công phụ trách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm