Châu Âu gấp rút tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi phòng Omicron

 Video: Châu Âu gấp rút tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi phòng Omicron

Từ ngày 15-12 (giờ địa phương), nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em nhóm tuổi 5-11 để đảm bảo hoạt động giáo dục diễn ra thông suốt trong bối cảnh nhiều chuyên gia cảnh báo châu Âu sắp sửa đối mặt với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra.

Rào chắn mới trước biến thể mới

Tháng trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức cho phép tiêm vaccine cho trẻ em thuộc nhóm tuổi này. Theo hướng dẫn, trẻ được tiêm hai mũi cách nhau 21 ngày nhưng phải sử dụng kim tiêm đặc biệt và lượng vaccine mỗi mũi chỉ bằng 1/3 lượng tiêm cho người trưởng thành. Nắp lọ đựng vaccine dùng cho trẻ 5-11 tuổi phải có màu cam, để phân biệt với nắp tím cho các độ tuổi lớn hơn.

Một bé gái được đưa đi tiêm ngừa tại một bệnh viện thuộc TP Szekesfehervar (Hungary) ngày 15-12. Ảnh: EPA

Chia sẻ với hãng tin AFP, phát ngôn viên Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Đức Jakob Maske cho biết tín hiệu ban đầu tương đối tích cực, rất nhiều phụ huynh đã nhanh chóng đưa con đi tiêm vì họ cũng lo ngại trước thông tin Omicron lây nhiễm nhanh. Theo ông Maske, “tỉ lệ tiêm cho trẻ em cao sẽ tạo điều kiện cho các trường học mở cửa lâu hơn và đóng góp vào lá chắn miễn dịch chung của toàn xã hội”. Trẻ 5-11 tuổi chỉ chiếm khoảng 3% dân số Đức nên ông Maske dự đoán nếu không gặp trở ngại thì chương trình tiêm chủng có thể hoàn tất trong 1-2 tháng tới.

Ở Ý, tại các điểm tiêm ở các địa phương, nhân viên y tế mặc các trang phục chú hề cũng như mở nhạc vui nhộn để khuyến khích các em tham gia tiêm vaccine. Ông Alessio D’Amato, Ủy viên về sức khỏe của vùng Lazio, nơi đặt thủ đô Rome, trả lời hãng tin ANSA rằng chính quyền Lazio đã nhận được hơn 24.000 lượt đăng ký tiêm cho trẻ từ khi cổng điện tử đăng ký tiêm vaccine khởi động ngày 15-12.

“Tôi rất hài lòng với tiến triển của chương trình tiêm vaccine cho trẻ em. Đây là bước đi quan trọng để Ý có sự chuẩn bị tốt hơn cho đợt dịch sắp tới. Chúng tôi đã chịu nhiều mất mát khi đối mặt với đợt dịch đầu tiên năm ngoái mà không có sự chuẩn bị, không thể để mọi chuyện lặp lại một lần nữa” - ông D’Amato khẳng định.

Không nhiều lý do để do dự đưa trẻ đi tiêm

Theo hãng tin Reuters, tuy chương trình tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi ở châu Âu được đa số đón nhận, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ huynh ở đây ngần ngại đưa con đi tiêm vì lo ngại về độ an toàn của vaccine cùng rủi ro xảy ra các biến chứng lâu dài nghiêm trọng.

Đơn cử, một cuộc thăm dò dư luận do chương trình truyền hình Een Vandaag (Hà Lan) thực hiện cho thấy có tới 42% trong số 1.800 cặp vợ chồng có con trong độ tuổi 5-12 được hỏi nói rằng họ sẽ không đưa con đi tiêm; 12% cho biết họ có thể từ chối và chỉ có 30% sẵn sàng cho con đi tiêm.

Một cuộc khảo sát do công ty thăm dò dư luận Noto Sondaggi thực hiện với trên 2.000 cặp vợ chồng ở Ý cho thấy dù gần 2/3 số người được khảo sát ủng hộ tiêm chủng, họ vẫn rất lo ngại về các biến chứng với con sau khi tiêm. 1/3 còn lại vẫn nghĩ rằng rủi ro nhiễm COVID-19 ở trẻ em thấp hơn người lớn.

Nhiều người cũng lo ngại tình trạng viêm cơ tim - phản ứng phụ hiếm gặp của vaccine sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer/BioNTech hoặc của Moderna. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện chưa có thông tin nào xuất hiện triệu chứng viêm cơ tim ở đối tượng trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine mRNA. Cả Pfizer và BioNTech khẳng định không có bất cứ mối lo ngại nghiêm trọng nào về độ an toàn của vaccine dành cho trẻ em trong các thử nghiệm lâm sàng của mình.

Bên cạnh đó, cũng lấy từ thống kê của CDC, khoảng 5 triệu trẻ 5-11 tuổi ở Mỹ đã được tiêm vaccine từ tháng trước - trước châu Âu - đến nay đều an toàn, chưa ghi nhận có trường hợp tử vong hoặc bị biến chứng.

“Hiệu quả bảo vệ đối với 5 triệu trẻ em ở Mỹ cũng rất khả quan, phụ huynh nên yên tâm là con em mình sẽ nhận được mức bảo vệ tốt nhất lúc này. Hiện CDC Mỹ vẫn đang tiến hành thêm nhiều đợt thử nghiệm để chắc chắn hơn nhưng các phụ huynh ở châu Âu không có lý do gì để nghi ngờ về độ an toàn vaccine vì châu Âu và Mỹ về cơ bản sử dụng chung loại vaccine” - GS Ed Lavelle thuộc ĐH Trinity (Ireland) chia sẻ với tờ The Irish Times.

Đồng quan điểm, TS Jason Terk thuộc Viện Nhi khoa Mỹ nhấn mạnh thêm rằng với sự lây lan của biến thể Omicron như hiện nay, cho trẻ em đi tiêm vaccine là cách bảo vệ sức khỏe cho chúng tốt nhất. Tiêm chủng càng sớm càng tốt thì mức bảo vệ sẽ cao hơn vì các loại vaccine mRNA cần thời gian khoảng năm tuần để phát huy tối đa tác dụng.

“Nếu tới đây quý vị vẫn còn do dự thì quý vị có thể tự kiểm tra dữ liệu đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin của các cơ quan uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), EMA hoặc CDC. Tôi chắc chắn quý vị sẽ tự thấy được vaccine COVID-19 an toàn cho trẻ em thế nào và cân nhắc cho các em đi tiêm sớm” - trang tin sức khỏe Scary Mommy dẫn lời ông Terk khẳng định.•

 

Ngày 16-12, các lãnh đạo EU ra tuyên bố chung bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Brussels (Bỉ) với nội dung nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người là quan trọng và cấp bách, với ưu tiên lúc này là đẩy mạnh tiêm tăng cường mũi thứ ba. Việc bắt buộc người dân tiêm chủng hay không vẫn tùy mỗi nước thành viên tự quyết định.

Vẫn nên tiếp tục cho trẻ đến trường dù số ca nhiễm tăng

Theo TS Jason Terk, trong trường hợp số ca nhiễm sắp tới tăng cao thì vẫn không nên cho trẻ em nghỉ học. Ông cho rằng việc bắt trẻ ở nhà lâu ngày sẽ gây các ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, khiến trẻ giảm khả năng tiếp thu kiến thức và giao tiếp nói chung.

“Tôi ủng hộ duy trì việc học cho trẻ em. Chỉ cần đảm bảo chúng tuân theo các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau là ổn. Tôi không biết tương lai có xuất hiện biến thể nào đủ mạnh để làm gián đoạn trường học hay không nhưng mà hiện tại chưa tới mức đó” - ông Terk khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm