XÃ HỘI HÓA VỚI MÔN THỂ THAO MỚI

TP.HCM có khúc côn cầu trên… băng

Vào những ngày cuối tuần, bạn có thể đến Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để thử sức môn khúc côn cầu trên… băng. Điều kiện cần để chơi được môn này, phải trượt tốt môn patin. Đặc biệt là băng ở sân khúc côn cầu tại Nhà văn hóa Thanh niên là băng nhân tạo. Nói thế không phải là nhiệt độ trong sân được làm lạnh và trải nước đá như ở Kỳ Hòa từng thử nghiệm cho môn trượt băng nghệ thuật mà thay vào đó là thảm nhựa, được bôi chất trơn lên trông như sáp. Độ trượt của sân băng nhân tạo này tuy có thua kém sân băng thật nhưng đó là chủ ý của những người điều hành tại đây. Nếu như muốn cho sân này trượt như băng thật thì chỉ việc trải thật nhiều chất sáp. Theo lý giải của ông chủ đầu tư Hoàng Anh (Việt kiều Canada) thì sân chơi này hầu hết là các học viên mới tham gia nên phải giảm bớt độ trơn trượt nhằm hạn chế tai nạn do VĐV té ngã.

Được biết trong môn khúc côn cầu trên băng thật thì nếu một VĐV dùng lực đạp 2 kg thì mức trượt đi sẽ là 20 m còn với lực tương tự ở băng nhân tạo tại Nhà văn hóa Thanh niên thì lực đạp tương tự sẽ trượt đi khoảng 5 m.

Ngoài ra còn phải trang bị trang phục thi đấu đầy đủ của khúc côn cầu gồm mũ bảo hiểm, bộ giáp bên trong, ống bảo vệ tay chân, khuỷu tay, ống quyển, găng tay, gậy và giày... với tổng trọng lượng từ 15 đến 20 kg.

Hiện nay tại CLB này mới chỉ có hai đội khúc côn cầu sinh hoạt vào các ngày cuối tuần. Tuy nhiên, lượng người muốn tham gia chơi môn khúc côn cầu rất đông, trong đó có nhiều người nước ngoài công tác và học tập tại TP.HCM. Riêng với những người tìm đến là người Việt Nam muốn làm quen với môn thể thao xứ lạnh này thì hầu hết phải tập làm quen trước với môn trượt patin rồi mới được nhập môn. Trong khi đó hầu hết người nước ngoài, kể cả sinh viên khi họ đăng ký vào làm thành viên CLB khúc côn cầu tại đấy họ đã chơi thuần thục môn patin.

Sau khi thi thố một ván khúc côn cầu, Nguyễn Thành Nam, sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Tôi thích môn này từ lâu. Khi còn đi du học tại Hàn Quốc tôi cũng nhờ mấy người bạn Hàn Quốc tập, chơi riết đâm ra nghiện. Cái hay của môn này là lượng vận động khá lớn, từ chân, tay, cơ thể xoay xở đến sự lanh trí vì phải dùng óc phán đoán trước đối phương cách xa hàng bảy, tám mét để “lái” cơ thể đi theo ý muốn…”.

TP.HCM có khúc côn cầu trên… băng ảnh 1

Tập luyện môn khúc côn cầu trên băng tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: XUÂN HUY

TP.HCM có khúc côn cầu trên… băng ảnh 2

Bài học vỡ lòng: Làm quen với giày trượt sau khi đã thành thục môn trượt patin. Ảnh: XUÂN HUY

Sinh viên Lê Anh Thức đến từ ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Người ta nói môn thể thao này là của quý tử cũng đúng nhưng chưa đúng so với tình hình ở CLB này. Nếu như chúng tôi tự sắm trang thiết bị để chơi và đóng phí làm thẻ thành viên thì mỗi tháng ngốn vài ngàn USD là điều bình thường. Song ở đây chúng tôi chỉ đóng 60.000 đồng cho 2 giờ chơi, trong khi thiết bị ở đây có sẵn không phải tốn tiền thuê. Với cái giá quá bình dân và mang tính phục vụ này tại sao chúng ta không chơi để trải nghiệm môn thể thao mới lạ với Việt Nam này?”.

Đem chuyện này hỏi với ông chủ nhiệm Hoàng Anh thì ông này gật gù nói: “Đúng thế. Chúng tôi phải khuyến khích mọi người đến chơi môn này đã, còn lời lỗ tính sau. Lượng người đến ngày càng đông là tôi mãn nguyện rồi…”.

Từ ngày khai trương CLB này đến nay hơn bốn tháng, ngoài vốn đầu tư và thuê mặt bằng gần 5 tỉ đồng, ông chủ Việt kiều đã tiêu tốn hàng trăm ngàn USD cho trang thiết bị vì các học viên mới nhập môn chưa biết cách sử dụng trang phục nên rất mau hư hỏng. Được biết giá gậy chơi và giày có khi lên đến cả ngàn USD và phải nhập về từ Mỹ hoặc Canada.

Được biết không chỉ có khúc côn cầu, ở đó còn có cả CLB Liễu kiếm và CLB Cung. Những người mê bắn cung có hai loại để chọn gồm cung Olympic (chuẩn như loại cung thi đấu các đại hội thể thao quốc tế) và cung săn bắn. CLB Liễu kiếm hay còn gọi là Kiếm Pháp (thi đấu tại Olympic) cũng có rất nhiều thành viên, hầu hết là sinh viên của các trường ĐH tại TP.HCM.

Một cán bộ chuyên trách thể thao xem các bạn trẻ đến tập các loại hình thể thao mới một cách say mê với nụ cười hồn nhiên đã tâm sự: “Đây chính là loại hình xã hội hóa thể thao có vai trò rất lớn cho xã hội và nhất là cho tầng lớp sinh viên, học sinh. Nếu như không có những sân chơi như thế vào những giờ nghỉ học các em học sinh sẽ đi tìm những loại hình giải trí nào? Một khi không có nhiều loại hình giải trí các em rất dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Những lần vào đấy chúng tôi đều chứng kiến hàng trăm em học sinh sau giờ học thể dục hay những ngày nghỉ kéo vào đấy thuê giày trượt băng. Một hình thức rèn luyện rất lành mạnh…”.

Sở VH-TT&DL TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi

Đầu tư xây dựng các trung tâm thể thao là ưu tiên hàng đầu, CLB khúc côn cầu ở Nhà văn hóa Thanh niên cũng không ngoài mục tiêu đó. Với khúc côn cầu để phát hiện tài năng hay thành lập đội tuyển thì trông rất khó, vì nhiều lẽ. Riêng môn Kiếm Pháp và Bắn cung Sở VH-TT&DL TP.HCM hỗ trợ nếu sau này CLB tổ chức các giải mở rộng nhằm tìm kiếm tài năng bổ sung cho các đội tuyển cấp TP lẫn cấp quốc gia.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm