TP.HCM có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết lớn vào cuối năm

(PLO)- Sau khi trải qua hai năm có đại dịch COVID-19 thì gần như bà con không nhớ đến dịch sốt xuất huyết nữa.

Chiều 9-6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP đã họp báo thông tin về tình hình dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến tiêm vaccine, dịch sốt xuất huyết (SXH), mưa ngập, cây ngã, cháy nổ… đã được lãnh đạo các sở, ngành giải đáp.

Khảo sát hơn 2.000 người không tiêm mũi 3, mũi 4

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã thông tin về tình hình tiêm vaccine trên địa bàn TP.

Theo bà Nga, TP đang tiêm mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi, tiêm cho trẻ chưa tiêm ở nhóm 12-17 tuổi và tiêm cho nhóm từ năm đến dưới 12 tuổi. Qua theo dõi, tỉ lệ tiêm mũi 3 chưa cao (khoảng gần 64%), còn mũi 4 mới tiêm nên tiến độ khá chậm.

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, thông tin tại buổi
họp báo. Ảnh: LÊ THOA

Bà Nga nhìn nhận việc tiêm mũi nhắc lại rất cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh khôi phục sinh hoạt, kinh tế. Trong khi đó, các liều vaccine đã tiêm trước đây đang giảm dần số kháng thể, do đó liều nhắc lại sẽ tăng tính bảo vệ, tránh tình trạng dịch bệnh tái phát. Thời gian tới, Sở Y tế cùng các sở, ngành sẽ triển khai truyền thông về thông điệp “vaccine phòng COVID-19, tiêm nhắc đúng lịch sẽ duy trì miễn dịch”.

Bà Nga cũng thông tin vừa qua, HCDC đã khảo sát hơn 2.000 người không tiêm đủ mũi vaccine nhắc lại và ghi nhận khá nhiều nguyên nhân. Cụ thể, 15% người dân không biết được nơi tiêm, 12% không đến được điểm tiêm, 12% không đồng ý tiêm, 11% sợ phản ứng… Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch tiêm chủng, công khai danh sách địa điểm tiêm, số điện thoại để thuận lợi hơn cho người dân.

Bà Lê Hồng Nga cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, biện pháp đeo khẩu trang vẫn được khuyến cáo mạnh mẽ để phòng dịch COVID-19 cũng như các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Bộ Y tế đã đề xuất thông điệp V2K (vaccine - khẩu trang - khử khuẩn) để thay thế 5K, trong đó vẫn duy trì khẩu trang để phòng dịch.

Liên quan đến tình hình dịch SXH, phó giám đốc HCDC TP.HCM cho biết những năm trước, tháng 6 hằng năm là giai đoạn thấp điểm của dịch này, tuy nhiên năm nay số ca có chiều hướng gia tăng. “Dự báo từ đây đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn nếu không có biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch” - bà Nga nói và nhìn nhận sau khi trải qua hai năm có đại dịch COVID-19 thì gần như bà con không nhớ đến dịch SXH nữa.

Luôn bảo vệ lợi ích của người dân

Vụ cháy bãi xe tang vật của CSGT TP.HCM tại TP Thủ Đức đang trong quá trình điều tra, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể cho báo chí khi có kết quả. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau vụ cháy thì căn cứ vào kết quả điều tra, nguyên nhân trực tiếp và vụ việc cụ thể. Hiện chúng tôi vẫn đang giải quyết trên nguyên tắc là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM

Cây ngã, nước ngập có thể gọi 1022

Tại buổi họp, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tình hình ngập trên địa bàn TP đã giảm đáng kể, các “rốn ngập” trước đây đã giải quyết triệt để, không để tái ngập. Các điểm ngập hiện tại đã giảm chiều sâu ngập, thời gian ngập còn rất ngắn.

Tuy nhiên, khi mưa với cường độ lớn, lưu lượng vượt mức quy định thì hệ thống sẽ không kịp thu nước, dẫn đến ngập cục bộ và tức thời. Theo ông Điệp, hiện TP có 15 điểm ngập nặng, 24 điểm ngập tức thời trong mưa.

Ông cũng khẳng định vừa qua, số cây xanh ngã đổ đã được kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất nhờ thực hiện nhiều biện pháp như chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây, đồng thời rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Ông Điệp đề nghị người dân có thể gọi ngay đến tổng đài 1022 khi có sự cố về thoát nước, cây xanh, chiếu sáng.

Công an TP.HCM có 167 trang mạng xã hội

Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, thông tin đầu năm 2021, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng Internet, mạng xã hội như Zalo, YouTube, Facebook. Việc này sẽ giúp tuyên truyền quy định pháp luật, cải cách hành chính, các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm…

Công an TP đã đưa vào sử dụng 31 trang mạng xã hội của các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng, công an cấp huyện và 136 trang mạng xã hội của công an phường, xã.

Trong một năm qua, các trang mạng xã hội đã đăng tải 3.586 tin bài, 215 video, 5.184 hình ảnh. Qua đó thu hút trên 5,3 triệu lượt người xem, 215 lượt người theo dõi và trên 300 lượt người tương tác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới