Chiều 23-2, UBKTTU TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành uỷ về kiểm kê, rà soát quỹ nhà đất công và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.
Còn nhiều nhà, đất công bỏ trống gây lãng phí
Tại đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện trung tâm đang quản lý 44 địa chỉ nhà, đất công theo Nghị định 167 của Chính phủ. Trong đó, có năm địa chỉ cho thuê, còn 39 địa chỉ khác bỏ trống.
Theo đó, UBND TP dự kiến giao trung tâm tiếp nhận và quản lý vận hành hơn 1.000 địa chỉ nhà theo Nghị định số 167. Nhưng hiện không cơ chế cho thuê nên nhiều địa chỉ nhà, đất sử dụng dẫn đến lãng phí, thất thoát. Vì vậy, ông kiến nghị TP có chủ trương xác định giá cho thuê nhà khởi điểm để đấu giá cho thuê hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực quận uỷ quận 1, cho biết vướng mắc hiện nay của quận là một số nhà, đất chưa được xác lập sở hữu nhà nước dù đã có báo cáo. Quận 1 cũng còn 17 địa chỉ nhà đất đang trống, đã có đề xuất giải pháp quản lý để tránh gây lãng phí và xuống cấp, hiện đang chờ TP xem xét giải quyết vì vướng mắc pháp lý khác nhau… Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương.
Từ đó, quận 1 kiến nghị UBND TP sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục hành chính để thực hiện cưỡng chế, thu hồi với các nhà bị chiếm dụng thực hiện sắp xếp theo quy định, giao UBND quận, huyện thẩm định đề án và ban hành quyết định cho thuê tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Ở góc độ sở, ngành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Do đó, UBND TP.HCM không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích sử sản xuất, kinh doanh.
Phía Sở Xây dựng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định về quy định việc quản lý sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích ở, giao cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại xử lý theo Nghị định 167 để quản lý nhà, đất công có hiệu quả, tránh lãng phí.
Ông cũng kiến nghị UBND TP có ý kiến với Chính phủ về sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản với nội dung bổ sung quy định về hình thức đấu giá cho thuê tài sản. Sớm ban hành nghị định quy định về việc quản lý khai thác nhà, đất công không sử dụng vào mục đích ở để có cơ sở khai thác, quản lý hiệu quả, tránh lãng phí.
Số hoá các địa chỉ nhà, đất để quản lý
Ghi nhận các ý kiến phản ánh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, số địa chỉ nhà, đất công mà TP.HCM đang quản lý rất lớn. Nếu khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực giúp triển khai phát triển kinh tế- xã hội. Nhưng TP đã gặp khó trong việc quản lý dẫn đến thất thoát nguồn lực.
Một trong số đó, ông Mãi cho rằng TP chưa số hoá được tất cả các địa chỉ nhà, đất công để quản lý hiệu quả hơn. Còn nhiều bất cập, chồng chéo trong việc quản lý trên sổ sách, giấy tờ và thực tiễn… TP cũng chưa phân nhóm để quản lý, sử dụng hợp lý xem cái nào nên bán, cái nào đầu tư khai thác, cái nào dùng để phát triển mới…
Người đứng đầu chính quyền TP cho rằng, cần tăng trách nhiệm của Ban cán sự đảng UBND TP, ban thường vụ quận, huyện uỷ, thành uỷ TP Thủ Đức, cấp uỷ lãnh đạo của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, cần củng cố, tăng cường trách nhiệm của các tổ công tác thực hiện chỉ thị 24.
Ông cũng nhìn nhận, cần sớm thực hiện việc kiểm kê, rà soát cho được tài sản công gắn với câu chuyện số hoá. Sở Tài chính cần đẩy nhanh việc xây dựng phần mềm để số hoá toàn bộ dữ liệu về các địa chỉ nhà, đất gắn với giải quyết dứt điểm bất cập có trên giấy tờ…
Song song đó, TP sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh chủ yếu về pháp lý. Khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn quy trình, quy định chuyển giao tài sản, tiếp nhận tài sản, đấu giá, quản lý, đầu tư phát triển mới… Với những cái chưa có trong quy định hay chồng chéo, ông Phan Văn Mãi khuyến khích đội ngũ cần vận dụng Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để gỡ vướng…
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý, với các tài sản công có liên quan trong các vụ việc, vụ án thì các cơ quan tư pháp cần sớm có kết luận để có hướng quản lý, sử dụng tài sản này hiệu quả.
Theo báo cáo của UBKT Thành ủy, TP hiện đang quản lý 9.295 địa chỉ nhà, đất do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167/2019 của Chính phủ.