TP.HCM: Công tác bảo tồn 'di sản xanh' gặp khó

Sáng 19-3, Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức hội thảo vấn đề cây xanh đô thị TP.HCM. Tại hội thảo, các kiến trúc sư (KTS), nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ cây xanh cũng như tăng cường mảng xanh cho TP.

Tính đến cuối năm 2019, TP có 508,561 ha đất công viên với 405 công viên. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Sức chống chịu của cây xanh ngày càng kém

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết tính đến cuối năm 2019, TP có 508,561 ha đất công viên với 405 công viên. Bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu ở đạt tỉ lệ 0,55 m2/ người. Trong khi chỉ tiêu m2 cây xanh sử dụng công cộng của TP dự kiến năm 2015: ≥ 1 m2/người, năm 2020: ≥ 2 m2/người và đến 2025: ≥ 7 m2/người. Như vậy, hiện trạng chỉ tiêu cây xanh (bao gồm việc tính hoặc không tính diện tích mảng xanh các loại) thì đều còn rất thấp so với chỉ tiêu.

Theo ông Điệp, TP.HCM hiện không chỉ thiếu về mảng xanh mà đối với những mảng xanh đã có cũng đang đối mặt với thực trạng phải “cạnh tranh” không gian sống với các công trình kiến trúc, công trình ngầm, điện lực,… bởi quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển. “Quá trình đô thị hóa dẫn đến việc bê tông hóa các khối công trình cao tầng sẽ làm thay đổi hướng gió, gia tăng sức gió (hiệu ứng đường hầm), cùng với việc gia tăng các công trình ngầm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của hệ rễ cây xanh. Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị thi công cũng góp phần xâm hại, phá hoại cây xanh” - ông Điệp nói.

Ông Điệp thông tin, TP hiện có gần 11.000 cây xanh cổ thụ. Đây là các cây xanh được trồng từ lâu, trong đó có các loài đặc trưng vùng miền và cũng là đặc trưng của TP như sao đen, dầu rái. Tuy nhiên, công tác bảo tồn những “di sản xanh” và đảm bảo an toàn cây xanh đối với những cây cổ thụ này đang gặp khó. Ông Điệp đề xuất, về lâu dài cơ quan quản lý cần xây dựng định hướng thay thế, cải tạo dần các cây xanh già cỗi, có xét đến việc bảo tồn phù hợp cây cổ thụ trên địa bàn TP.

Quy hoạch không gian cây xanh giúp chống ngập

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc tổ chức quy hoạch không gian xanh và không gian nước cho đô thị là một công tác rất quan trọng. Điều này đem lại nhiều lợi ích như cải thiện vi khí hậu và chất lượng môi trường, tạo cảnh quan, không gian công cộng xanh, không gian thư giãn cho người dân,…

Ngoài ra, theo ông Sơn, việc quy hoạch không gian xanh và không gian nước có thể đem lại tác động tích cực là giúp chống ngập cho TP.HCM. Thông qua các định hướng như quy hoạch nền không gian xanh và công viên, dự trù không gian dành cho nước, giảm diện tích bê tông hóa và tăng diện tích không gian xanh. Diện tích đất và nền có thể thẩm thấu nước mặt, vừa để tích trữ nước tạm thời trong những cơn mưa lớn, làm chậm tốc độ dòng chảy cần thoát nước, vừa để bổ sung trữ lượng cho nước ngầm,...

Còn theo KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, hiện nay ở các khu đô thị mới, công tác quản lý cây xanh có quy chuẩn, quy phạm ràng buộc. Còn ở khu dân cư hiện trạng, nhất là vùng ven, với không gian eo hẹp, cần phải nghiên cứu tìm loại cây phù hợp để giảm bức xạ trên các tuyến đường. Đối với đô thị hiện có, vỉa hè bị thu hẹp, cần nghiên cứu loại cây trồng thân thẳng, lá cành trên cao tự nhiên hoặc định kỳ cắt tỉa, không che chắn ánh đèn, camera, tầm nhìn trong khu đô thị hiện có.

“Cần khuyến khích người dân trồng cây, bất cứ loại nào phù hợp hoàn cảnh, kiến trúc, sở thích, diện tích cây xanh sẽ tăng đáng kể. Cụ thể như cung cấp cây trồng, tưới nước tự động để tiết kiệm nước, tổ chức bình chọn vinh danh các căn hộ của từng đô thị…” - KTS Khương Văn Mười chia sẻ.•

Chế tài nghiêm hành vi xâm hại cây xanh đường phố

Theo ông Vũ Văn Điệp, với những thách thức và khó khăn hiện nay trong công tác quản lý cây xanh đường phố, TP cần nghiên cứu và triển khai thực hiện một số đề xuất như sau:

Đối với công tác quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng các dự án trong đô thị phải đặc biệt chú trọng và lưu ý xét đến việc bảo tồn, giữ gìn hài hòa cây xanh đường phố.

Cần định hướng các kế hoạch cải tạo, chỉnh trang cây xanh đường phố để thay thế dần cây hư hại, khiếm khuyết, cây thuộc danh mục cấm trồng. Trong đó lưu ý đến việc cải tạo, thay thế dần cây cổ thụ có tuổi đời già cỗi (có xét đến giải pháp bảo tồn phù hợp đối với một số cá thể, quần thể cây xanh đặc trưng, tiêu biểu của TP). Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa phù hợp kỹ thuật chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đường phố và các giải pháp quản lý trong điều kiện hiện nay.

Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ, giữ gìn cây xanh đường phố và chế tài nghiêm minh các hành vi xâm hại cây xanh. Chuẩn hóa quy định pháp lý cho công tác quản lý và công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh đường phố.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm