TP.HCM đã kéo giảm 20% vụ phạm pháp hình sự

Hàng loạt biện pháp mạnh đánh vào tội phạm bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực cùng các vấn đề sát sườn với đời sống của người dân như vỉa hè bị lấn chiếm, việc tách thửa theo Quyết định 33… đã được các cơ quan chức năng báo cáo với UBND TP.HCM sáng 24-3.

Tội phạm giảm 20%

Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết: “Trong tháng 3, lực lượng chức năng đã tăng 30%-40% quân số để thực hiện trấn áp các loại tội phạm. Từ đầu tháng 2 đến nay, cảnh sát cơ động tuần tra 18 tuyến đường trên địa bàn 11 quận/huyện trọng điểm về cướp giật. Sau thời gian tuần tra, tất cả tuyến đường trên đã không còn xảy ra phạm pháp hình sự. Những tuyến đường bố trí tuần tra công khai đã không còn xảy ra án cướp giật”.

Theo Đại tá Quang, tỉ lệ phá án hình sự của Công an TP đạt hơn 71%, trong đó án cướp giật đạt 70%, án trộm đạt 60%. “Tỉ lệ phá án trộm cao nhất từ trước đến nay vì loại án này rất khó khám phá. Theo thống kê, phạm pháp hình sự trong quý I-2016 giảm 20% nhưng không giảm triệt để, vẫn xảy ra một số vụ cướp giật, trộm cắp…” - ông nói.

Cũng theo ông Quang, Công an TP dự kiến tung gấp đôi quân số để trấn áp tội phạm. “Một trong những nơi lâu nay không kiểm tra là các nhà cao tầng, các chung cư cao cấp, nơi có thể các tội phạm đặt đại bản doanh để hoạt động phạm pháp như cho vay nặng lãi, buôn bán, thậm chí sản xuất ma túy” - ông Quang cho hay.

Công an TP cũng đưa ra các giải pháp khác để trấn áp tội phạm như sẽ có cơ chế hỗ trợ, phát triển các hội, nhóm phòng, chống tội phạm; phối hợp với Sở TT&TT về kế hoạch tích hợp hàng ngàn hệ thống camera đường phố để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh. Đồng thời phối hợp với Sở Du lịch triển khai, bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ du khách...

Chỉ đạo về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành công an chú ý đến các địa bàn giáp ranh. “Chủ công trấn áp tội phạm vẫn là công an nhưng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới đạt kết quả cao nhất” - ông nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Trên 3.000 trường hợp tách thửa, phân lô

Báo cáo về tình trạng phân lô, bán nền, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết theo thống kê của Sở, đến tháng 12-2015 có trên 3.000 trường hợp tách thửa, phân lô theo Quyết định 33.

Ông Thắng khẳng định khi Sở tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 33/2014 đã tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia, người dân và Bộ TN&MT. “Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề. Có những trường hợp người ta nghiên cứu kỹ các sơ hở để lách. Hiện Sở đã yêu cầu các quận/huyện nắm lại tình hình và báo cáo cụ thể” - ông Thắng nói và cho biết các quận/huyện đang trình duyệt kế hoạch sử dụng đất. Đây sẽ là cơ sở ngăn ngừa tình trạng lợi dụng Quyết định 33 để tách thửa nhằm mục đích tổ chức thực hiện dự án.

Trả lời vấn đề trên với báo chí, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, khẳng định quyết định này chỉ áp dụng cho loại đất ở đô thị và đất ở nông thôn trên địa bàn TP, không áp dụng cho loại đất nông nghiệp. Nếu địa phương nào áp dụng để cho tách thửa đất nông nghiệp là vi phạm.

Về những thông tin nhiều ngày qua báo chí phản ánh, ông Hoan cho biết TP sẽ yêu cầu các địa phương kiểm tra và báo cáo. Hiện nay mới chỉ 10 quận/huyện có báo cáo cho Sở TN&MT. Trên cơ sở những thông tin này, TP sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá, vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Riêng về vụ phân lô tràn lan ở Hóc Môn, người phát ngôn của UBND TP cho hay hiện Thành ủy cũng đã chỉ đạo kiểm tra, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc. “Vi phạm tới đâu xử lý tới đó, tùy theo mức độ. Có thể là địa phương buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí là cố tình vi phạm pháp luật về đất đai. Hiện nay đang chờ kết quả xử lý chính thức từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan chức năng” - ông Hoan nói.

50% tuyến đường không có vỉa hè

Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin là ông nhận khá nhiều phản ánh từ dân và cán bộ về tình trạng chiếm dụng lòng lề đường. “Không chỉ phản ánh bức xúc, người dân còn góp ý, hiến kế giải pháp cho chính quyền. Nói ra điều này để thấy là dân rất hợp tác trong việc lập lại trật tự lòng lề đường. Việc gì hợp lòng dân thì phải kiên quyết thực hiện” - ông Phong nói.

Báo cáo về thực trạng này, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cho hay: Thực tế trên 50% tuyến đường trên địa bàn TP hiện không có vỉa hè dẫn đến tình trạng đậu xe dưới lòng đường. Trong khi giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè chỉ thực hiện trong một số đợt cao điểm, sau đó lại tái diễn tình trạng lấn chiếm.

Theo ông Cường, do chưa kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền ở những nơi thường xuyên để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè... nên mới xảy ra tình trạng này.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, quận/huyện nhập cuộc quyết liệt hơn để làm chuyển biến tình hình. Cần phân định rõ ràng để quy trách nhiệm và từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể. “Phải kiên trì thực hiện và nếu phối hợp chặt chẽ chắc chắn sẽ làm chuyển biến tình hình” - ông Phong yêu cầu.

UBND TP chính thức lên tiếng về bãi rác Phước Hiệp

Theo UBND TP, việc tạm ngưng tiếp nhận rác số lượng lớn tại bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để đưa rác về bãi rác Đa Phước không thể gây thiệt hại cho TP 1.000 tỉ đồng. Dự toán chi phí đầu tư chỉ 970 tỉ đồng, trừ dự phòng phí dự án thì  còn vốn đầu tư 720 tỉ đồng. Hiện đã đầu tư hơn 60% (hơn 400 tỉ đồng). “Đây là công trình vừa làm vừa tiếp nhận rác, chưa tính đến yếu tố khấu hao nên không thể nói lãng phí cả ngàn tỉ đồng. Chưa kể là UBND TP đã có chỉ đạo vẫn tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi rác này thành bãi rác dự phòng”  - ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, nói. Ông cũng cho biết đây là phát biểu chính thức của UBND TP, đề nghị báo chí khép lại vụ việc, không bàn thảo nữa.

Đề cập lý do chuyển rác từ bãi rác Phước Hiệp về bãi rác Đa Phước, ông Hoan cũng cho biết ngoài yếu tố về môi trường thì còn có yếu tố bãi rác này nằm cạnh Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi). “Quy hoạch khu đô thị gần 6.000 ha nằm cạnh bãi rác nên ảnh hưởng đến quá trình đầu tư suốt một thời gian dài, muốn kêu gọi đầu tư cũng khó khăn” - ông Hoan nêu lý do.

___________________________

“Đừng để người dân ra đường mà nơm nớp lo sợ, đó là chất lượng sống không tốt. Khi đi làm mà cứ lo lắng không biết nhà cửa có bị trộm, có an toàn không sẽ gây ra tâm trạng bất an…”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
phát biểu tại cuộc họp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm