Chiều 1-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng-an ninh tháng đầu năm 2018. Chủ điểm tập trung của phiên họp là công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết sắp tới.
Không cho đầu cơ, găm hàng tạo sốt giá
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn vốn gần 18.000 tỉ đồng để sản xuất hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán 2018, tăng 743 tỉ đồng so với năm trước. Nguồn hàng hóa Tết cũng tăng 20%-30% so với năm ngoái.
Theo ông Kiên, Sở Công Thương đã đưa lên trang web của Sở bảng giá các mặt hàng thiết yếu để người dân theo dõi. “Qua công tác kiểm tra, các nhà máy sản xuất, đơn vị nhập khẩu đảm bảo số lượng này và cam kết không tăng giá dịp Tết. Vấn đề còn lại là cách quản lý không cho đầu cơ, găm hàng để tạo sốt giá” - ông Kiên cho hay.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết năm nay số tiền chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách là 789 tỉ đồng, tăng so với năm qua (bình quân tăng thêm 100.000 đồng/suất). “Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018 đã được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui vẻ, đầm ấm” - ông Tấn nói.
Cụ thể, thống kê của UBND TP cho thấy chế độ chăm lo Tết cho diện chính sách có công, hộ nghèo, diện bảo trợ xã hội có tổng kinh phí hơn 520 tỉ đồng, tăng gần 24 tỉ đồng so với năm 2017. Riêng quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong khu vực hành chính sự nghiệp có tổng kinh phí hơn 230 tỉ đồng (mức 1,4 triệu đồng/người). Các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ xa nhà, các hộ giữ rừng ở Cần Giờ cũng nằm trong diện được chăm lo Tết.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu chăm lo Tết Mậu Tuất đảm bảo theo phương châm đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: TÁ LÂM
Không để mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng năm 2018 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP với 21 nội dung, đề án. Tất cả triển khai từ nay đến tháng 6-2018 phải xong.
Đặc biệt, năm 2018 số thu ngân sách nhà nước mà trung ương giao cho TP rất lớn. Do đó để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, các sở/ngành, quận/huyện cần nỗ lực tập trung thực hiện và triển khai các giải pháp. Cụ thể, phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hút các nguồn vốn, thu hút nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức và Việt kiều để thúc đẩy kinh tế-xã hội TP phát triển theo hướng bền vững hơn.
Ông Phong yêu cầu trong tháng 2, các cấp, các ngành tập trung thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND TP về chăm lo Tết Mậu Tuất đảm bảo theo phương châm đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, các cấp, các ngành, địa phương theo dõi, kiểm tra và báo cáo kịp thời cho UBND TP những doanh nghiệp khó khăn, không có khả năng chi trả lương, tiền thưởng Tết để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công.
Sở Công Thương TP cần tăng cường kiểm tra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá, hàng gian, hàng giả, không đảm bảo chất lượng đưa vào thị trường phục vụ Tết, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt Tết của người dân.
Đối với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, ông Phong yêu cầu cần triển khai kế hoạch giám sát chất lượng thực phẩm Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2018, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên, dịp Tết này trung bình mỗi ngày TP tiêu thụ 16.000-18.000 con heo (ngày thường khoảng 8.000-10.000 con/ngày). Các ngành chức năng đang phối hợp xin cấp phép trở lại cho lò mổ Xuyên Á và cấp phép cho một lò mổ Hóc Môn. Hai lò này có thể mổ 5.500 con heo/ngày, đảm bảo nguồn thịt cung cấp cho TP trong dịp Tết. Dịp Tết năm nay, TP dự kiến tiêu thụ 44 triệu lít bia và 47 triệu lít nước giải khát. Dự kiến TP tiêu thụ khoảng 18.000 tấn kẹo. |
Tấn công tội phạm, đảm bảo an toàn cho dân
Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về công tác trấn áp tội phạm cuối năm, Trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết giám đốc Công an TP đã ký kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn trật tự cho nhân dân TP vui Tết.
Theo ông Thắng, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để phòng ngừa, nhất là với tội phạm trộm cắp cuối năm, khi người dân về quê đóng cửa, không ai trông coi nhà. Ngoài ra, tăng cường xử lý mạnh cờ bạc cuối năm, buôn bán hàng gian, hàng giả gây rối loạn thị trường.
Riêng với tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen hoạt động trên địa bàn, Công an TP đã chỉ đạo thu thập, tích lũy hồ sơ xử lý ngay từ đầu hành vi cho vay nặng lãi, không để kéo dài phát sinh nhiều hệ lụy.
Trung tá Thắng còn cho biết thêm tới đây Công an TP sẽ triển khai hệ thống định vị, định vị điện thoại để người dân gọi đến ở địa chỉ nào thì sẽ điều lực lượng tới nhằm xử lý nhanh chóng hơn các tin báo tố giác tội phạm.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Công an TP.HCM cần triển khai thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP trước và sau Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.
“Đừng mang quà lên lãnh đạo, để dành tặng người nghèo” Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị không được tổ chức các đoàn thăm và chúc Tết cấp trên, thực hiện nghiêm chủ trương không tặng quà Tết cấp trên. “Đề nghị các sở không mang quà, bao thư lên UBND TP chúc Tết. Cái đó nghiêm cấm. Mỗi cơ quan đừng xách túi quà lên TP nữa, quà đó nên để dành tặng người nghèo. Việc này các đồng chí đương nhiên hiểu rồi nhưng vẫn phải nhắc” - ông Phong nói. |