TP.HCM đề nghị cấp mã số cho 150.000 ca test nhanh dương tính

Chiều 27-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi liên quan đến văn bản của Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân (BN) cho 150.000 người có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19. Số người dương tính này được phát hiện từ ngày 20-8 đến nay.

Nhân viên y tế đến từng nhà dân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Nếu 150.000 ca này được công bố thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chỉ số, nhất là chỉ số về tỉ lệ tử vong/ca nhiễm? Nếu 150.000 ca này được công bố thì số ca nhiễm của TP.HCM sẽ tăng lên hơn 520.000 ca. Tốc độ tăng như vậy sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ ca nhiễm/tổng số dân. Vậy khi đó sẽ có tác động như thế nào đến chính sách hiện nay?” - PV hỏi.

Trả lời câu hỏi này, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xác định bằng kỹ thuật PCR. “Test nhanh có hạn chế là làm độ nhạy và đặc hiệu không cao” - BS Châu nói.

Tuy nhiên, theo BS Châu, trong tháng 8 và tháng 9, tại TP.HCM số ca bệnh tăng rất nhanh và xảy ra đại dịch. Trong bối cảnh đó, về khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của dịch COVID-19 qua test nhanh thì cần được nhanh chóng xác nhận nhiễm để điều trị kịp thời, thay vì phải chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có công văn gửi cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0.

“TP.HCM trong thời gian qua đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, chăm sóc tại nhà, phát gói thuốc A, B, C để chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tất cả BN này đều có trong danh sách của TP.HCM được cấp thuốc và điều trị” - BS Châu nói.

Tuy nhiên, theo BS Châu, các trường hợp này chưa được cấp mã số quốc gia. Vừa qua, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế bổ sung các trường hợp này vào danh sách quốc gia. Theo thống kê của TP.HCM, có gần 150.000 F0 thuộc nhóm này.

BS Châu khẳng định đây là những trường hợp đã được tiếp nhận, lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ. “Số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến mẫu số khi phân tích, ví dụ như tỉ lệ tử vong. Lâu nay theo thống kê, tỉ lệ tử vong của TP.HCM khoảng 4%, khi mẫu số tăng lên thì tỉ lệ tử vong sẽ giảm đi” - BS Châu nói.

Về vấn đề số ca nhiễm tăng lên cao, từ đó sẽ có tác động như thế nào đến chính sách hiện nay, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đến nay TP dựa vào số F0 thật để thu dung, điều trị tại nhà. “Theo tiêu chí mới của Bộ Y tế thì số ca mắc mới chỉ là một trong các tiêu chí để phân cấp độ nguy cơ và cấp độ nguy cơ trong bộ tiêu chí của Bộ Y tế dựa trên cấp độ nguy cơ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi trên ngưỡng hơn 150 trường hợp/100.000 dân trong một tuần thì ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Do đó, số ca mắc tăng lên thì TP.HCM vẫn trên 150 trường hợp” - BS Châu nói.

Tuy nhiên, theo BS Châu, bộ tiêu chí mới dựa trên nhiều tiêu chí khác, trong đó quan trọng nhất dựa vào tỉ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng và bao phủ vaccine cho người trên 50 tuổi. “Khi các tiêu chí này đảm bảo thì TP.HCM vẫn có thể xuống cấp độ thấp hơn, các biện pháp an toàn sẽ thuận tiện hơn cho các hoạt động của TP” - BS Châu nói.•

 

Tính đến 16 giờ ngày 27-9, tổng số BN tại TP.HCM là 371.542. Đến nay, TP.HCM đang điều trị cho hơn 38.600 BN, trong đó có 3.612 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.856 BN nặng đang thở máy và 22 BN can thiệp ECMO. Trong ngày, TP ghi nhận 122 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu tháng 1 đến nay là 14.500.

Số ca bệnh thở máy và số ca tử vong tại TP.HCM đều giảm. Số BN nhập viện là 2.805, thấp hơn số BN xuất viện là 2.936.

 

Không làm thay đổi các chỉ số thích ứng an toàn

Nếu Bộ Y tế công nhận số liệu 150.000 ca test nhanh dương tính với COVID-19 nêu trên thì con số này chỉ giúp: (a) Làm rõ tình trạng và đảm bảo quyền lợi của người bị nhiễm COVID-19 mà chưa được làm xét nghiệm PCR; (b) Vẽ lại đường cong dịch tễ trong quá khứ để rút ra bài học về kiểm soát dịch và lý giải số ca tử vong tăng cao. Con số này không làm thay đổi các chỉ số để thích ứng an toàn, vì các chỉ số thích ứng an toàn dựa vào số liệu hiện tại và sắp tới.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNGTrưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới