TP.HCM: Đề xuất 2 quy định gỡ vướng cho các dự án BT

(PLO)- TP.HCM có 11 dự án BT, trong đó nhiều dự án đang ngưng thi công do liên quan đến việc dùng quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT.

Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về bốn vấn đề cấp bách thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đề xuất cần thực hiện thí điểm tại TP.HCM, trong đó có đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BT ở TP.

Nhiều dự án BT dang dở

“Theo kết quả khảo sát của HĐND TP có nhận định một số dự án PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PV) là chậm tiến độ (trong đó có các dự án BT), có 11 dự án đang dở dang. Vậy giải pháp thực hiện các dự án này trong thời gian tới là như thế nào?” - văn bản về giải trình các ý kiến đại biểu HĐND TP đặt ra tại phiên giải trình về thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP nêu ý kiến đại biểu chất vấn.

Công trường đoạn 3 của đường vành đai 2 đang tạm ngưng thi công từ năm 2020 đến nay. Ảnh: K.CƯỜNG

Giải trình về vấn đề này, UBND TP cho biết trước khi Luật PPP được ban hành, việc triển khai thực hiện một dự án PPP được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan và rất phức tạp (khoảng 15 luật, nghị định và 28 thông tư liên quan). Hơn nữa, các quy định pháp luật về PPP chưa nhất quán, đôi khi chưa rõ ràng, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Trong đó có thể kể đến các dự án PPP, hợp đồng BT chậm trễ như đoạn 3 của đường vành đai 2; đường song hành phía nam cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2; dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng…

Ngày 12-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Á, chủ đầu tư đoạn 3 của đường vành đai 2, cho biết: “Tình hình dự án vẫn chưa có thông tin gì mới, chúng tôi vẫn đang chờ TP ký phụ lục hợp đồng BT và thanh toán quỹ đất cho chúng tôi”.

Đề xuất tháo gỡ, thí điểm cho TP.HCM

Trong động thái mới nhất, Sở TN&MT TP cho biết trong văn bản gửi UBND TP, sở đã lựa chọn bốn vấn đề cấp bách nhất, trong đó có nội dung liên quan đến BT. Theo sở này, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thông qua ngày 18-6-2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đã dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT (theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 101 của luật).

Trong khi đó, trên địa bàn TP vẫn còn nhiều dự án hợp đồng BT đã được TP ký kết hợp đồng thực hiện với các nhà đầu tư trúng thầu trước ngày 1-1-2021 (trong hợp đồng đã xác định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư).

“Tuy nhiên, do Luật Đất đai 2013 chưa có quy định về việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất để tạo quỹ đất thanh toán và các quy định liên quan đến việc thực hiện giao, thuê quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức PPP (hợp đồng BT)” - văn bản của Sở TN&MT TP nêu rõ.

Luật Đất đai 2013 chỉ có một số quy định có thể áp dụng như cơ chế Nhà nước thu hồi đất (theo quy định tại khoản 3 Điều 62) đối với quỹ đất thanh toán sử dụng vào mục đích xây dựng khu đô thị mới hoặc khu dân cư nông thôn mới.

“Đối với các trường hợp còn lại như quỹ đất sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ thì không áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất được nên dẫn đến các vướng mắc kéo dài cho đến nay” - sở đánh giá.

Về mặt trình tự và thủ tục pháp lý, các chủ đầu tư thực hiện các dự án BT đều đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để thực hiện dự án. Các quỹ đất dự kiến sử dụng thanh toán cho các nhà đầu tư dự án PPP, hình thức BT trước đây cũng đã được nghiên cứu, thỏa thuận và ký kết trong hợp đồng thực hiện dự án.

Trên địa bàn TP vẫn còn nhiều dự án hợp đồng BT đã được TP ký kết hợp đồng thực hiện với các nhà đầu tư trúng thầu trước ngày 1-1-2021.

“Việc cho phép TP thí điểm áp dụng các quy định (hai quy định) để giải quyết việc giao, cho thuê đất đối với các quỹ đất đã được chấp thuận chủ trương sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án đầu tư theo hình thức BT trước đây sẽ góp phần giải quyết được các vướng mắc trong thời gian qua, giải tỏa được tâm lý của các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án BT” - Sở TN&MT đề xuất.

Cụ thể, hai quy định đó là: Cho phép TP thí điểm thực hiện việc “thu hồi đất để tạo quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BT) do Thủ tướng hoặc HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất’’.

Thứ hai, cho phép TP được áp dụng “căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để thực hiện giao, thuê đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án BT trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực. Thời điểm thực hiện giao, thuê các khu đất để thanh toán cho các dự án BT chỉ thực hiện sau khi dự án BT được nghiệm thu và kiểm toán. Giá đất được tính tại thời điểm đã nghiệm thu và kiểm toán.

“Việc này sẽ tối đa hóa được giá trị quyền sử dụng các khu đất dự kiến sử dụng thanh toán theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, tăng thêm các nguồn thu cho ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách TP nói riêng” - văn bản của Sở TN&MT nhận xét.•

11 dự án BT ở TP.HCM

Trên địa bàn TP.HCM có 11 dự án BT gồm: Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài; cầu Sài Gòn 2; bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc - nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 2; đường song hành từ đường Mai Chí Thọ; đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; đoạn 3 của đường vành đai 2; hạ tầng nội bộ khu I trong Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc; cầu đường Bình Tiên.

Ngày 12-9 vừa qua, UBND TP đã có văn bản chấp thuận chủ trương dừng thực hiện dự án cầu đường Bình Tiên bằng hợp đồng BT theo đề nghị của Sở KH&ĐT TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới