Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã đề xuất các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn này.
Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cho rằng để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 về đích với hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài quyết tâm chính trị hơn cần nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm khắc phục các tồn tại hiện có.
Tuy nhiên, bà Lệ cũng chỉ ra những nội dung đã được Nghị quyết 29/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đề ra nhưng chưa được CP đánh giá trong báo cáo.
Cụ thể, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, Nghị quyết 29 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng dự án được bố trí vốn.
Từ đó, bà Lệ đề nghị Chính phủ cần rà soát đánh giá cụ thể tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021-2025. Đối với từng dự án phải xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.
Bà Lệ cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân các dự án là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng pháp mặt bằng. Nghị quyết 29 đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Uỷ ban thường vụ QH để trình Quốc hội xem xét quyết định.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện đề án này, đồng thời đánh giá hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện trong nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”- bà Lệ nói.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giúp cho hoạt động đầu tư công đạt kết quả, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề xuất 5 giải pháp.
Thứ nhất, các địa phương, chủ đầu tư cần rà soát, đánh giá kỹ những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải, dẫn đến nhiều dự án dở dang phải làm thủ tục gia hạn, gây lãng phí.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện dự án cần di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị kỹ kế hoạch, lựa chọn tư vấn từ sớm song song với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
Thứ ba, kiến nghị QH đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Thứ tư, đối với nguồn vốn đầu tư, qua báo cáo của Chính phủ các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tỷ lệ giải ngân chậm nhất do vướng các quy định ràng buộc của bên cho vay… Vì vậy, bà Lệ kiến nghị nên nghiên cứu một số dự án quy mô lớn chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước. Qua đó, tạo điều kiện tăng lưu thông dòng tiền - điều mà các ngân hàng hiện nay cũng mong muốn.
Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ thì cần sớm tập trung quy hoạch, đề xuất với Quốc hội giải pháp phát triển, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn đến các tỉnh thành cả nước.
Cuối cùng, bà Lệ đề nghị Chính phủ phải có những cơ chế để giải toả vướng mắc thủ tục cũng như tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước nhằm đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án PPP có quy mô lớn.