Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách… của Chính phủ. Các đại biểu (ĐB) cơ bản đồng tình với những kết quả nổi bật mà các báo cáo Chính phủ đã chỉ ra, đồng thời, cũng đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề căn bản.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) trong phát biểu của mình đã đề cập đến chuyện thiếu điện đầu tiên. Ông cho rằng tình hình thiếu điện đang rất nghiêm trọng.
“Giám sát của Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ ra nguy cơ thiếu điện cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” - ông nói.
Trích dẫn báo cáo thẩm tra bản đầy đủ của Ủy ban Kinh tế, ĐB Đồng cho rằng khi các doanh nghiệp đang chật vật phục hồi sau COVID-19 thì tình hình cắt điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng. Nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời thì nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra ở mùa nóng năm 2024.
“Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ hậu quả từ sự cố cắt điện đối với nền kinh tế và số liệu tiêu thụ điện thời gian qua để thấy rõ hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã khó khăn trăm thứ rồi lại còn khó về điện” - ĐB Đồng nói và cho rằng báo cáo của cả Bộ Công Thương cũng chưa làm rõ vấn đề này.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội hôm qua, 23-10 cho hay trong nửa nhiệm kỳ qua, nhiều dự án điện lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào vận hành sau thời gian dài gián đoạn.
Trong đó, có dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vân Phong 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Khí hóa lỏng Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy triển khai các hợp đồng, chuỗi dự án điện khí điện Lô B - Ô Môn…
Trong nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2023, Chính phủ xác định phải bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả.
Còn một trong những nhiệm vụ của năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Chính phủ xác định “kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Cụ thể, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tham mưu, xây dựng, trình phê duyệt các cơ chế, chính sách và có các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhất các dự án, công trình phát triển điện lực và năng lượng tái tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án, công trình điện. Khẩn trương đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6-2024.
Theo ĐB Đồng, tại báo cáo ngày 20-10 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, Chính phủ nêu là đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước trong năm 2024 nhưng mới nói chung chung.
“Vậy trước mắt thì 2024 có thiếu điện không? Nếu có thì giải pháp thì giải pháp là gì? Tôi không tìm được câu trả lời cho vấn đề hết sức quan trọng này trong báo cáo” - ông Đồng nói.
Tình hình cung ứng điện cơ bản đã được đảm bảo
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24-10, Bộ Công Thương đã cung cấp một số thông tin về kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Kế hoạch này đã được Bộ Công Thương báo cáo Thường trực Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Bộ Công Thương và sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, kể từ ngày 23-6, tình hình cung ứng điện đã được đảm bảo.
Bộ Công Thương đánh giá công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đơn vị này cũng đưa một số giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024.
Cụ thể, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, khẩn trương khắc phục sự cố và đưa vào vận hành và duy trì vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện.
TKV và Tổng công ty Đông Bắc làm đầu mối, phối hợp với EVN, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện, bao gồm cả nguồn than nhập khẩu. Các đơn vị khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện lớn nhằm đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái. EVN và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan sớm xây dựng khung giá điện cho các dự án nhập khẩu từ Lào; Sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo cùng với các nguồn điện khác...
Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi kế hoạch này được phê duyệt.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch xả nước đổ ải phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân năm 2024 theo hướng sử dụng tiết kiệm tối đa, hiệu quả nguồn nước xả từ các nguồn thủy điện.
Bộ TN&MT hướng dẫn việc điều tiết linh hoạt, cho phép tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. UBND các tỉnh, TP kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện; tăng cường thực hiện nghiêm, tích cực chỉ thị tiết kiệm điện trên toàn quốc...