TP.HCM: Đề xuất 5 năm làm 4 nút giao thông lớn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT đề xuất tập trung đầu tư bốn nút giao thông trên địa bàn TP. Các nút giao này gồm: An Phú, Mỹ Thủy (quận 2), Gò Dưa (quận Thủ Đức) và ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân). 

Nút giao Mỹ Thủy (quận 2) đang được khởi công giai đoạn 2. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Bốn nút giao cấp thiết phải làm
Theo Sở GTVT TP.HCM, vào giờ cao điểm, tại các nút giao nói trên thường xuyên xảy ra cảnh ùn ứ kéo dài. Đặc biệt, rất nhiều người lưu thông theo kiểu mạnh ai nấy chạy khiến tình trạng ùn ứ giao thông càng thêm nghiêm trọng do xung đột giữa các làn xe.
Vì vậy, để giải quyết tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng đã đề xuất xây dựng, cải tạo và mở rộng các nút giao này. Trong đó, 3/4 nút giao thông đang được cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục, còn một nút giao (Mỹ Thủy) đã được khởi công xây dựng.
Nói về nút giao An Phú, ông Vương Quang Hưng cho biết đây là một trong các dự án quan trọng của khu đông TP và cấp thiết phải làm. Nguyên nhân là hiện nay lưu lượng xe tập trung về khu vực nút giao này rất lớn nên mức độ an toàn giao thông nút rất thấp và năng lực thông hành chưa đáp ứng kịp. 
Dự án đã được Sở GTVT hoàn thiện phương án đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Đồng thời, sở đang trình UBND TP để thông qua chủ trương đầu tư và làm cơ sở triển khai thi công, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Về dự án nút giao ngã tư Bốn Xã, ông Hưng cũng cho hay đây là điểm giao các tuyến đường lớn gồm Hòa Bình, Phan Anh, Thoại Ngọc Hầu, Lê Văn Quới, Bình Long... nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Vì vậy, TP đã có chủ trương xây dựng nút giao liên thông khác mức ở khu vực này.
“Hiện nay chủ đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến sẽ trình duyệt trong năm 2020, đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025” - ông Hưng thông tin.
Đối với nút giao Mỹ Thủy, ông Hưng cho biết giai đoạn 1 dự án đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 đang triển khai thi công, tuy nhiên vẫn còn đang vướng mặt bằng. 
Mỹ Thủy là nút giao cửa ngõ khu vực Cát Lái của ba trục đường Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và đường vành đai 2. Do đó, để giải quyết tình trạng ùn ứ khu vực Cát Lái, Sở GTVT đang phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn 3 của dự án trong thời gian từ năm 2021 đến 2025. 
Cuối cùng là nút giao Gò Dưa cũng được xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô là nút giao khác mức liên thông. 
Theo ông Vương Quang Hưng, sau khi bốn nút giao thông trên hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM. 
Tác động tốt cho giao thông TP
Đánh giá về tầm quan trọng của các nút giao này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), chủ đầu tư bốn nút giao trên, cho rằng: “Sau khi nút giao An Phú hoàn thành sẽ tăng cường kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TP. Từ đó giải quyết ùn tắc, tăng cường giao thông thông suốt cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông TP”.
Còn nút giao Mỹ Thủy, ông Phúc cho biết đây là nút giao thông trọng điểm của TP nhưng lại thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Cát Lái. Dự án về đích sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khu vực, đảm bảo thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và đường vành đai 2.
Đối với nút giao Gò Dưa, ông Phúc cho rằng khi đường vành đai 2 được khép kín, đấu nối vào nút giao thông Gò Dưa (giao giữa quốc lộ 1 và vành đai 2) sẽ thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa khu vực phía đông với phía tây của TP. Đồng thời, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Lượng xe đi trên đường vành đai 2 sẽ không đi vào các trục đường đô thị của TP, góp phần giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường hiện hữu như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ… và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ phía đông TP. 
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá cao việc đầu tư xây dựng các nút giao nói trên. Theo ông, đây là tác động tốt cho giao thông của TP. Các nút giao trên sẽ giải quyết hai vấn đề là tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Mặt khác, những nút giao trên nằm trong tuyến huyết mạch như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, cảng Cát Lái... nên một phần nào cải thiện được vấn đề giao thông kết nối trên địa bàn TP.
“Trước mắt, chủ đầu tư cần tập trung xây dựng ở từng khu vực của mỗi dự án để thi công hiệu quả. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả thực sự cho giao thông TP, cơ quan chức năng nên có kế hoạch lâu dài và chia thành các nhóm dự án lớn, giải quyết vấn đề giao thông cho cả khu vực chứ không riêng lẻ từng dự án hay từng nút giao” - ông Sơn góp ý.•
Nhiều trục đường chính được ưu tiên
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030, Sở GTVT còn đề xuất các trục đường ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030.
Cụ thể, dự án mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) có chiều dài khoảng 7 km, bề rộng 34 m, đáp ứng bốn làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng. Sau khi tuyến này được mở rộng sẽ tăng cường năng lực khai thác trục kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. 
Dự án cầu đường Bình Tiên (quận 6) có chiều dài khoảng 3,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỉ đồng. Dự án góp phần kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông khu vực và phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam TP.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái (nối quận 4 và quận 7), bắc qua kênh Tẻ và rạch Bến Nghé, đáp ứng nhu cầu giao thông kết nối giữa trung tâm với khu nam TP. Dự án giúp tăng cường năng lực giao thông cho các tuyến đường khu vực quận 4, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên cầu Kênh Tẻ và đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y...
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) đã được thông qua chủ trương đầu tư công. Dự án đang được gấp rút triển khai để hoàn thành đồng bộ với nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất (dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2023). Dự án có vai trò giải quyết kết nối giao thông khu vực nhà ga T3 và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới