TP.HCM đề xuất giữ nguyên mức sàn học phí

(PLO)- TP.HCM đề nghị giữ nguyên lộ trình học phí và việc quy định mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT về đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81).

UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục giữ nguyên lộ trình học phí và việc quy định mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh: PHẠM ANH

UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục giữ nguyên lộ trình học phí và việc quy định mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh: PHẠM ANH

Theo đó, đối với đề xuất lộ trình học phí và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81, UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục giữ nguyên lộ trình học phí và việc quy định mức sàn học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 81.

Đồng thời có điều khoản quy định riêng đối với trường hợp địa phương khó khăn đang quy định thấp hơn mức sàn học phí tại Nghị định 81 theo tiêu chí phù hợp.

UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết 16/2022 quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP căn cứ trên mức sàn tại Nghị định 81.

TP.HCM cũng có chính sách hỗ trợ phần chênh lệch học phí tại Nghị quyết 17/2022 của HĐND TP về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP năm học 2022 - 2023 (bao gồm học sinh ngoài công lập). UBND TP.HCM khẳng định chính sách này đang được dư luận xã hội đồng tình.

Do đó, TP.HCM cho rằng việc bỏ mức sàn học phí sẽ gây xôn xao dư luận, tạo sức ép đối với các địa phương đã thực hiện lộ trình phải điều chỉnh lại mức học phí, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính...

UBND TP.HCM nhìn nhận mức sàn hiện tại là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội sau nhiều năm thực hiện Nghị định 86/2015, tận dụng được nguồn lực trong nhân dân cùng với nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Đây cũng là nguồn lực cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm và thực hiện lộ trình tự chủ.

Cũng theo UBND TP.HCM, trong năm học 2023 - 2024, UBND TP sẽ tiếp tục thực hiện mức học phí theo mức sàn học phí quy định tại Nghị định 81 và sẽ cập nhật điều kiện kinh tế - xã hội trong thời gian tới để có đề xuất chính sách hỗ trợ miễn, giảm theo quy định của Chính phủ và các chính sách đặc thù khác của TP. Việc này nhằm mục tiêu là không để một học sinh nào nghỉ, bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện lộ trình miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở từ năm 2025 theo Luật Giáo dục năm 2019 và xem xét nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cấp bù học phí đối với các trường tiểu học công lập.

Ngoài ra, TP.HCM cũng nêu việc học sinh tiểu học trường công lập thuộc đối tượng không phải đóng học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021 nhưng ngân sách không được cấp bù.

Trong khi đó, việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dạy học 2 buổi/ngày theo lộ trình từ năm học 2020 - 2021 khiến các trường gặp khó khăn trong nguồn thu để đảm bảo kinh phí hoạt động và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm