Ngày 24-3, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2011-2015.
Hoàn thiện quy trình, thủ tục ban hành văn bản
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, qua năm năm thực hiện, chương trình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP.
Cho đến nay TP.HCM đã hoàn thiện được quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp, đảm bảo tính khoa học, tính công khai, minh bạch. Tổ chức pháp chế và đội ngũ làm công tác pháp chế của TP không ngừng được củng cố, hoàn thiện và phát triển, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng soạn thảo, kiểm tra văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
“Quy định về kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản cũng không ngừng được hoàn thiện, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức” - ông Bảy nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: H.GIANG
Những khó khăn về nhân sự, kinh phí
Bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, theo Nghị định số 55/2011 của Chính phủ (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế) thì sở, ngành phải thành lập phòng pháp chế. Trong khi đó, Nghị định số 24/2014 của Chính phủ (về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương) cùng các thông tư liên tịch của các bộ, ngành về cơ cấu tổ chức bộ máy lại không quy định cơ cấu tổ chức của sở phải có phòng pháp chế. Từ đó, một số sở, ngành đã thành lập phòng pháp chế theo Nghị định 55/2011 phải sáp nhập phòng này vào các phòng chuyên môn khác.
Cũng theo Nghị định 55/2011, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy định về chế độ phụ cấp này nên chưa tạo sự an tâm công tác cho những người làm công tác pháp chế, không thu hút được lực lượng nhân sự chất lượng cao. Thêm nữa, đội ngũ này thường xuyên bị thay đổi do công tác luân chuyển cán bộ. Nhiều trường hợp cán bộ sau khi được đào tạo lại bị điều chuyển sang công việc khác.
Mặt khác, hiện nay kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương quá thấp, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội (đối với cấp tỉnh không quá 9 triệu đồng/nghị quyết hoặc quyết định được ban hành mới, không quá 3,5 triệu đồng/chỉ thị). Không đủ chi phí cho hoạt động phục vụ công tác soạn thảo và ban hành văn bản (như khảo sát, điều tra). Việc huy động, mời thêm chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào công tác soạn thảo văn bản khó có thể thực hiện, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng văn bản...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nói: UBND TP tin tưởng vào ngành tư pháp TP. Ông Liêm mong ngành tư pháp TP sẽ tiếp tục phát huy, vượt qua khó khăn, luôn là chỗ dựa và là cố vấn tham mưu pháp luật vững chắc cho ủy ban.
Phát hiện 230 văn bản cấp quận, huyện có dấu hiệu vi phạm Năm 2005-2015, Sở Tư pháp TP.HCM và các sở, ban, ngành khác của TP đã tự kiểm tra 1.499 văn bản quy phạm pháp luật, sáu văn bản có chứa quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện, xử lý 71 văn bản có nội dung và hình thức không phù hợp pháp luật (sai căn cứ pháp lý, sai thẩm quyền, có nội dung không phù hợp, sai thể thức kỹ thuật, trình tự, thủ tục ban hành văn bản). Sở Tư pháp TP cũng kiểm tra 1.790 văn bản do HĐND, UBND quận, huyện ban hành, phát hiện 230 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đề nghị của Sở Tư pháp, các cơ quan đã tự xử lý theo quy định của pháp luật. Phòng Tư pháp các quận, huyện cũng đã kiểm tra 7.836 văn bản của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn ban hành, phát hiện và yêu cầu xử lý 1.954 văn bản vi phạm... |