TP.HCM: Đuổi việc sai phải bồi thường

Mới đây, sau nhiều lần hoãn xử, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên án một vụ tranh chấp lao động khá phức tạp giữa một nhân viên bị sa thải với cơ quan cũ.

Đuổi việc không báo trước

Theo đơn kiện mà bà H. nộp cho tòa từ đầu năm nay, tháng 3-2008, bà được nhận vào làm việc tại Công ty L. và hai tháng sau thì được ký hợp đồng lao động không thời hạn. Công việc của bà là hướng dẫn kỹ thuật tại một doanh nghiệp may mà Công ty L. đặt hàng gia công với mức lương 270 USD/tháng cùng khoản trợ cấp tiền xăng 350 ngàn đồng/tháng.

Tháng 9-2008, công ty L. ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do bà H. không hoàn thành công việc, làm công ty bị thiệt hại 100 ngàn USD.

Bà H. bảo lý do công ty đưa ra để đuổi việc bà là không đúng sự thật, đồng thời công ty sa thải bà không báo trước cũng như chỉ trả cho bà tiền lương trong tháng 9 là sai pháp luật. Vì thế, bà yêu cầu công ty thanh toán cho bà hơn 3.500 USD (khoảng hơn 60 triệu đồng) tiền lương kèm phụ cấp trong những ngày bà không được làm việc tính đến ngày xét xử...

Công ty phản tố

Ngược lại, công ty nói từ tháng 8 đến tháng 9-2008, bà H. thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành công việc được giao. Cụ thể, bà không kiểm tra cẩn thận chất lượng các lô hàng gia công nên toàn bộ hàng bị đối tác từ chối tiếp nhận, làm công ty phải bồi thường gần 100 ngàn USD.

Trước thiệt hại này, công ty đã nhiều lần họp yêu cầu bà H. liên đới bồi thường nhưng bà cương quyết không ký vào biên bản, đồng thời đề nghị công ty cho nghỉ việc. Sau đó, bà H. đã bàn giao công việc và nhận đủ số lương. Từ đó công ty mới ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà.

Tháng 12-2008, Công ty L. nhận được thư mời đến làm việc của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để giải quyết đơn thưa của bà H. Tại buổi làm việc, bà H. nói công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật là hoàn toàn không đúng sự thật.

Tuy nhiên, sau đó công ty vẫn có thiện ý nhiều lần mời bà H. đến thương lượng và mời bà trở lại làm việc nhưng bà H. đều bỏ về, không ký vào biên bản làm việc cũng như không tiếp tục ở lại làm việc.

Từ những điều trên, không những công ty không chấp nhận bồi thường bất cứ yêu cầu nào của bà H. mà còn phản tố, yêu cầu bà H. bồi thường tổng cộng 216 USD do tự ý nghỉ việc vi phạm thời hạn báo trước cộng với tiền truy thu bảo hiểm xã hội và y tế...

Tòa buộc doanh nghiệp bồi thường

Ra tòa, tranh luận lại, bà H. nói mình rất có thiện chí thương lượng với công ty nhưng chỉ nhận lại được con số 0 mà thôi.

Cụ thể là khi công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, bà yêu cầu công ty cho biết lý do nhưng không được giải quyết. Bà đã nhiều lần làm đơn phản đối quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty vì sai luật nhưng lãnh đạo công ty cũng phớt lờ.

Tòa kết luận lý do Công ty L. đưa ra để chấm dứt hợp đồng lao động với bà H. là không thỏa đáng nên buộc công ty hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhận lại bà H. vào làm việc và bồi thường.

Do bà H. không quay trở lại làm việc nên tòa buộc công ty phải bồi thường cho bà H. tổng cộng gần 3.500 USD, tương ứng 61 triệu đồng. Đồng thời, tòa cũng nhận định yêu cầu phản tố của công ty là không có cơ sở chấp nhận bởi công ty không chứng minh được là có thiệt hại và thiệt hại là bao nhiêu.

Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết ít nhất trước 45 ngày.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

(Theo Điều 37, Điều 38 Bộ luật Lao động)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm