TP.HCM: Giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ

(PLO)- Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, phải vận động người dân cùng góp ý kiến, tham gia giám sát, phát hiện qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-1, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm...

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết, địa phương đã có nhiều mô hình cụ thể hóa, trong đó đã xây dựng được quy chế tiếp tục, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân.

TP đã ban hành nhiều quy chế, quy định liên quan nhằm phát huy việc giám sát, phản biện, triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách về giám sát, phản biện xã hội... Nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được các địa phương vận dụng thực hiện phù hợp với địa bàn.

Dù vậy, một số địa phương, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính quyền; một số nơi triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình góp ý...

tp-hcm-giam-sat-ngan-chan-tinh-trang-nhung-nhieu-cua-can-bo.jpg
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có quyết định tặng Bằng khen cho 114 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị. Ảnh: THANH THUỲ

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho rằng việc lấy ý kiến người dân trong triển khai, thực hiện chính sách là rất quan trọng. Ông dẫn chứng, khi thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang công viên Mê Linh, quận 1, Sở Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức và nhận được nhiều ý kiến góp ý chất lượng.

Ông Kiên nói, việc tổ chức lấy ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là điều kiện quan trọng trước khi ban hành, và triển khai chính sách.

Khi người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, nghiên cứu, góp ý, điều chỉnh các chính sách đề xuất sẽ phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống, nhất là những vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng như vấn đề nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, đô thị - những vấn đề nóng, luôn được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thành Trung cho rằng, trong thời gian tới, các nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Trong giám sát phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm và cần phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội.

Ông Trung cho biết, một trong những nội dung trọng tâm năm 2024 là phải vận động người dân cùng góp ý kiến, tham gia giám sát, phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân.

Bên cạnh đó, vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phát huy vai trò của người dân trong những quyết sách quan trọng

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá sau 10 năm triển khai thực hiện hai quyết định này, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, nhất là quan tâm, chú trọng và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn; các đề xuất, kiến nghị sau giám sát cụ thể, rõ ràng, được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, kịp thời phản hồi, giải quyết, khắc phục, góp phần tích cực cho việc hoạch định, thực thi các chính sách, pháp luật có hiệu quả hơn.

Công tác tham gia xây dựng chính quyền được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện khá tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, doanh nghiệp, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân...

Để thực hiện nội dung này tốt hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồ Hải cũng đưa ra một số trọng tâm để thực hiện.

Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cả hai quyết định và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy liên quan công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân...

UBND cùng cấp chủ động, kịp thời xem xét, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân như việc làm, bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư… có giải pháp cụ thể để chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

TP.HCM: Giám sát, ngăn chạn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu-tong-ket-10-nam-xay-dung-dang-phan-bien-xa-hoi-MTTQ.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH THUỲ

Để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chính quyền đô thị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị Đảng đoàn HĐND TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia, quyết định những vấn đề quan trọng của TP.

Cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với các chủ trương, chính sách trước khi ban hành. Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đổi mới công tác tiếp xúc cử tri...

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, thực hiện khảo sát thực tế; theo dõi, đôn đốc, đeo bám chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đối với các nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.

“Các đề xuất, kiến nghị sau giám sát phải được xử lý tới nơi tới chốn, liên thông chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong giải quyết các vấn đề, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện nghiêm việc xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị, qua giám sát, phản biện tạo thêm nhiều giá trị mới, phù hợp từ đó nâng tầm, nâng vị thế của tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội”- Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP yêu cầu.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính quyền TP ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ MTTQ Việt Nam, các đoàn thể thành lập và phát huy hội đồng tư vấn, ban tư vấn, phát huy đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhân sĩ, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo trong việc tham gia tư vấn giám sát, phản biện xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm