Phòng, chống tham nhũng: Có những vụ án đến hàng tấn tài liệu

(PLO)- Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc’’.

Nhiều ý kiến đánh giá công tác PCTN ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ việc tồn đọng, trong các lĩnh vực được cho là vùng cấm - vùng nhạy cảm được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.

P5_bai-1h-viethoa.jpg
Các bị cáo trong vụ án thông thầu ở BV Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: NGỌC SƠN

Khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng

TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), đánh giá thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, trong số này có cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỉ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.

Công tác PCTN, tiêu cực không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng mà trong năm 2023 đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Cạnh đó là những chuyển biến trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực.

TS Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nhận xét trong 20 năm qua, PCTN từ chủ đề cấm kỵ dần trở thành vấn đề được thảo luận công khai và bây giờ trở thành hết sức bình thường.

“Chúng ta đã đạt nhiều kết quả rất tích cực trong việc xây dựng thể chế ngăn chặn PCTN, tiêu cực như thể chế công khai, minh bạch, xây dựng nền quản trị công hiện đại, minh bạch; kiên trì thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập” - TS Thanh đánh giá.

TS Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng Vụ 5, Ban Nội chính Trung ương, cho biết trong năm 2023 các cơ quan chức năng cũng chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Nhất là những vi phạm có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị liên quan cũng kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao. Đồng thời khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ yếu kém...

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6-2023, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác 15 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật. Trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh/thành ủy quản lý. Qua thanh tra, kiểm toán, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện và chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng đến các cơ quan điều tra.

Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành chín cuộc kiểm tra đối với các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 76 tổ chức Đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC...

“Có những vụ án hàng tấn tài liệu, lực lượng công an phải làm việc ngày đêm để bóc tách tài liệu, làm rõ bản chất tham nhũng, móc ngoặc, tư lợi và thu hồi triệt để tài sản.”

Làm một vụ để tạo thế răn đe

Theo Thượng tá Lê Phi Long, Phó Trưởng phòng C03, Bộ Công an, tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn. Người thực hiện hành vi tham nhũng có sự chủ động che giấu hành vi. Đối tượng tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, đủ trình độ hiểu biết để che giấu. Cùng với đó, việc tham nhũng diễn ra cả chục năm nên quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn.

“Có những vụ án hàng tấn tài liệu, lực lượng công an phải làm việc ngày đêm để bóc tách tài liệu, làm rõ bản chất tham nhũng, móc ngoặc, tư lợi và thu hồi triệt để tài sản. Nhiều đối tượng tham nhũng trốn ra nước ngoài nhưng Việt Nam đã có sự đổi mới trong công tác xử lý, bị can, bị cáo vắng mặt vẫn xét xử” - Thượng tá Long nói.

Phó trưởng Phòng C03 cho biết Bộ Công an quán triệt quan điểm đấu tranh xuyên suốt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tập trung làm rõ các vụ án, làm một vụ để tạo thế răn đe với người khác.

Qua công tác phòng ngừa tội phạm tham nhũng, lực lượng công an đã nhận diện nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực nổi lên có sai phạm, vi phạm, dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Từ đó báo cáo lãnh đạo bộ, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ trương sửa đổi luật pháp, ban hành các quy định nhằm phòng ngừa, bịt kín sơ hở tránh tội phạm tham nhũng lợi dụng.•

Thụ lý 1.016 vụ án/2.789 bị can phạm tội về tham nhũng trong chín tháng

Chín tháng năm 2023, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 1.016 vụ án/2.789 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng thiệt hại tài sản trong các vụ án tham nhũng đang thụ lý, điều tra là trên 1.336 tỉ đồng và 126.932 m2 đất.

Kết quả đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 399 vụ án/1.022 bị can, chuyển cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng 1 vụ án/1 bị can. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đã thụ lý, điều tra 20 vụ án và 3 vụ việc, đã kết luận điều tra 4 vụ án, 84 bị can.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm