TP.HCM là đô thị đặc biệt mà không có trực thăng PCCC

(PLO)- Tại buổi góp ý cho dự án Luật PCCC&CNCH do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, có đại biểu cho ý kiến cần phải có ngân sách đảm bảo việc mua sắm trang thiết bị hiện đại như trực thăng cho công tác PCCC&CNCH.

Ngày 6-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức Hội thảo Góp ý dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Nâng cao trách nhiệm, đầu tư nhiều cho PCCC&CNCH

Tại mục “Lực lượng PCCC&CNCH” trong dự án Luật, thứ tự được sắp xếp là lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cuối cùng, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần đảo lộn trật tự này.

“Khẳng định là lực lượng Cảnh sát PCCC phải là lực lượng đầu tiên, đi đầu để khẳng định trách nhiệm trong hướng dẫn, kiểm tra…” – luật sư Hòa nói.

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NT

Còn ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, hiện nay trang bị PCCC còn thiếu thốn do kinh phí còn hạn chế. Ở khoản 2 Điều 55 nêu, ngân sách cho hoạt động PCCC nhưng còn nêu chung chung, nên có định lượng hàng năm chi bao nhiêu % cho PCCC&CNCH.

“Địa phương còn thiếu thốn. Đặc biệt, các vụ cháy ở chung cư cao tầng thì phương tiện không đủ. Tôi thấy như ở TP.HCM là đô thị đặc biệt, có hơn triệu dân mà không có trực thăng PCCC.

Muốn vậy thì phải có ngân sách để đảm bảo trang bị mua sắm. Mà trường hợp có trực thăng, muốn bay cũng phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng vì không phải thẩm quyền của công an” – ông Chánh nói và cho biết cần có nghiên cứu, đề xuất về ngân sách đảm bảo trang bị, phương tiện cần thiết, hiện đại và cách thức phối hợp.

Luật sư Trương Thị Hòa nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: NT

Luật sư Trương Thị Hòa cũng góp ý ở Điều “Hợp tác quốc tế về PCCC&CNCH” rằng chỉ quy định ở một Điều thì ít quá.

“Hợp tác quốc tế rất nhiều vấn đề, nhiều điều cần học tập… Tôi kiến nghị làm một chương riêng về điều này. Hợp tác quốc tế trong PCCC&CNCH cần đạt được nhiều mục tiêu, thể hiện thường xuyên, lâu dài” – luật sư phân tích.

Còn ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, ở nội dung về CNCH thì quy định là đã xảy ra nhưng thực tế là có những thứ đang ở nguy cơ nhưng có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng cần được cứu hộ.

“Có trường hợp nhà bị nghiêng, nguy cơ sập, chúng tôi tới nơi thì các đơn vị thi công chạy hết trơn, chủ nhà cũng bỏ chạy luôn, mà để vậy thì có thể sập đổ, nguy hiểm cho mọi người. Xưa đến giờ chúng tôi chủ yếu nhờ vả, quen biết để họ vô chống đỡ giúp, mà như vậy không thể làm hoài” – ông Xuyên nêu thực tế.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng công trình có nguy cơ sập đổ cũng cần thuộc phạm vi CNCH.

Lĩnh vực PCCC&CNCH có những điều chạm đến trái tim

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng, cần thiết.

Bà Hòa cũng nhắc lại truyền thống lịch sử; hình ảnh những cán bộ chiến sĩ PCCC&CNCH xông vào đám lửa, chiến đấu với “giặc lửa” để cứu nhân dân, bảo vệ họ và tài sản.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng PC07 nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: NT

Bà cho rằng, với lĩnh vực PCCC&CNCH có những điều chạm đến trái tim của mỗi người vì có không ít hi sinh, đau thương, mất mát. Những điều đó khiến bà và người dân “không thể cầm được nước mắt” khi hay tin.

Trong hơn 30 phút liền, luật sư Hòa cũng đóng góp rất nhiều ý kiến, như dự án Luật có 20 từ giải thích từ ngữ thì nên sắp xếp theo thứ tự ABC thì dễ tìm, dễ tra cứu hơn.

Và ở Điều nói về “quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật” PCCC, luật sư Hòa cho rằng cần giải thích cụ thể vì tiêu chuẩn PCCC mang tính tham khảo, quy chuẩn PCCC thì phải tuân theo.

“Giải thích tiêu chuẩn PCCC thì giải thích thế nào, quy chuẩn thì giải thích thế nào…” – luật sư Hòa nêu.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TP.HCM cho biết, những nội dung mà luật sư Hòa nêu đã chạm đến trái tim của những người trực tiếp đấu tranh với giặc lửa mỗi ngày như ông.

Thượng tá Trưởng cũng đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến là nên thống nhất cụm từ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vì trong dự thảo viết chưa thống nhất.

Ông Hà Phước Thắng cho biết, Hội thảo đã có 11 lượt đại biểu tham gia phát biểu với nội dung đầy tâm huyết, sát với thực tế địa bàn TP.HCM trong thời gian qua.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM nhận xét, các ý kiến đóng góp hết sức phù hợp với dự thảo. Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ nghiên cứu, tiếp tục thảo luận trong thời gian tới để tham gia phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới