Sửa chữa, trùng tu chợ Bến Thành
Cụ thể, UBND TP giao lãnh đạo các Sở QH-KT TP, Sở GTVT TP, Sở Xây dựng, Sở TN&MT TP, Sở KH&ĐT TP, Sở Tài chính, Sở VH&TT TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND quận 1... khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện các nội dung kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP tại thông báo số 1556/2023, báo cáo đề xuất trình UBND TP theo đúng tiến độ chỉ đạo.
Trước đó, thông báo số 1556 về kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP về việc thực hiện cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và mời gọi đầu tư xây dựng tại khu vực trung tâm TP nêu rõ các yêu cầu đối với các sở ban ngành.
Cụ thể, Ban Cán sự Đảng UBND TP thống nhất kết luận, giao UBND TP chỉ đạo Sở QH-KT TP hoàn chỉnh lại tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương về một số nội dung.
Về khu vực trước chợ Bến Thành: Xin chủ trương thống nhất phương án thiết kế tổng thể cảnh quan khu vực trước chợ, trong đó có nội dung về vị trí đặt tượng và đúc lại tượng Trần Nguyên Hãn, tượng Quách Thị Trang theo nguyên bản bằng chất liệu bền vững hơn (đúc đồng), hoàn thành trước 30-4-2025.
Chủ tịch UBND quận 1 cũng được giao theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, rút ngắn thời gian, hoàn tất thủ tục pháp lý dự án trong 6 tháng, bắt đầu khởi công dự án vào ngày 1-6 năm nay.
Về chợ Bến Thành: Xin chủ trương thực hiện sửa chữa nhỏ (cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống điện, thay mới hệ thống phòng cháy chữa cháy, sơn, lát nền) hoàn thành trước 30-4-2025. Việc trùng tu chợ Bến Thành sẽ được thực hiện sau 30-4-2025, sau khi được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và có phương án nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm dưới chợ Bến Thành.
Đưa sân khấu Sen Hồng vào phục vụ người dân trước tết
Về sân khấu Sen Hồng, chấp thuận chủ trương cho phục hồi việc khai thác sử dụng một số hạng mục công trình tại Công viên 23 tháng 9, trong đó có sân khấu Sen Hồng để phục vụ người dân và du khách trước Tết Nguyên đán 2024.
Sở QH-KT TP cũng được giao khẩn trương rà soát ý tưởng từ các cuộc thi “Ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực Công viên 23 tháng 9, “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành” và các nghiên cứu khác trong khu vực trung tâm TP (nếu có) để nhằm đảm bảo pháp lý về quy hoạch, làm cơ sở mời gọi đầu tư, trình UBND TP trong tháng 1.
Ngoài ra, UBND TP cũng muốn gặp gỡ các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm để trao đổi về việc nghiên cứu lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP trong tháng 1.
Sở QH-KT TP cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP để cập nhật nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060. Đây sẽ là cơ sở xác định được các điều kiện kết nối hệ thống công trình ngầm toàn TP và có cơ sở triển khai nội dung quy hoạch xây dựng ngầm đô thị trong các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP.HCM, lịch sử hình thành của nó gắn liền với thăng trầm của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là Chợ Bến Thành.
Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912-1914, cửa nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng. Phía trước cửa chính (cửa nam) là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang...